Gương sáng

Người “truyền lửa” cồng chiêng cho thế hệ trẻ Ba Na

Văn Hà 12/10/2023 - 13:18

Đối với người Ba Na, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và gắn bó chặt chẽ với các nghi lễ của đồng bào. Với mong muốn tiếng chiêng của dân tộc mình luôn vang xa, lưu truyền ngàn sau, nghệ nhân A Phái luôn miệt mài “truyền lửa” đam mê cho lớp trẻ, giúp cho mọi người hiểu rõ và yêu quý giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Đam mê học hỏi cồng chiêng

Từ lâu, thôn Kon Tơ Neh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) nổi tiếng là thôn đi đầu trong các hoạt động văn hóa. Các tiết mục văn hóa truyền thống, cồng chiêng ở đây mỗi lần đi thi đều được giải cao trong và ngoài tỉnh.

Để tìm hiểu rõ hơn về phong trào tập luyện, lưu truyền văn hóa truyền thống của bà con Ba Na nơi đây, chúng tôi đến gặp nghệ nhân A Phái (SN 1965) người có gần 25 năm gắn bó với văn hóa văn nghệ tại địa phương.

Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân A Phái chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Đến năm 1998 thì vào sinh sống và lập gia đình tại thôn Kon Tơ Neh. Từ nhỏ ông đã đam mê tiếng chiêng và theo chân cha tham gia các lễ hội, "học lỏm" ít nhiều từ các nghệ nhân trong làng.

Sau khi chuyển về sinh sống tại thôn Kon Tơ Neh thì may mắn thay, tại làng lúc bấy giờ có nhiều nghệ nhân già rất giỏi, đã tận tâm chỉ dạy, giúp ông nâng cao tay nghề đánh chiêng, được tiếp thu và học hỏi thêm nhiều kỹ thuật hay.

Đến năm 2001, ông được bà con tín nhiệm làm Đội trưởng Đội chiêng nam trẻ nhất tại làng. Cũng từ đấy, ông luôn tâm niệm rằng mình phải có trách nhiệm trong việc bảo quản và giữ gìn những giá trị đẹp của cồng chiêng, làm sao cho cồng chiêng được lưu truyền và phát huy, xứng đáng với sự tin tưởng của các nghệ nhân già khi xưa.

aaa1.jpg
Nghệ nhân A Phái đam mê tìm tòi, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Theo nghệ nhân A Phái, các già làng nơi đây giao nhiệm vụ cho ông cất giữ và bảo quản các bộ chiêng quý của làng. Nhấc từng chiếc chiêng lên, ông vừa xoay, vừa gõ và ghé sát tai để cảm nhận âm thanh riêng biệt của từng chiếc. Theo ông, đó cũng là cách để ông tập luyện cho đôi tai mình nhạy cảm hơn mỗi ngày và cũng là để kiểm tra chất lượng âm thanh của chúng có bị lệch chuẩn không để mà chỉnh lại.

Theo nghệ nhân A Phái, phong cách chơi chiêng của người Ba Na ở mỗi vùng miền đều có sự khác biệt và nét độc đáo riêng, không vùng nào giống vùng nào. Khi nghe tiếng cồng chiêng ở mỗi vùng miền, chúng ta có thể cảm nhận được không khí lễ hội truyền thống của vùng miền đó qua tốc độ chơi, cách phối các âm thanh đan xen, hòa quyện vào nhau.

“Truyền lửa” cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Là một người thầy truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ của làng, nghệ nhân A Phái luôn tâm huyết làm sao dạy cho các em học thành thạo đánh chiêng một cách nhanh và hiệu quả nhất. Theo ông, chơi chiêng khá đơn giản nếu đã hiểu và cảm nhận được chúng. Học chơi chiêng không được vội vàng mà phải từ từ qua từng bài học nhỏ để cảm nhận âm thanh, sau đó mới đến kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật di chuyển phụ họa.

a2222.jpg
Nghệ nhân A Phái được các già làng tin tưởng, giao nhiệm vụ cất giữ nhiều chiêc chiêng quý của làng

Trong số những học trò của ông, có những em có đôi tay nhạy cảm bẩm sinh thì học rất nhanh, có khi chỉ mất vài tuần là đã đánh khá tốt. Đối với những em có tố chất bình thường, ông sẽ có cách dạy khoa học, từng bước một, tập trung vào việc nghe nhiều để rèn đôi tai trước rồi mới đến những kỹ thuật khác.

Hiện tại A Phái đang cùng các nghệ nhân khác tham gia giảng dạy cho đội chiêng nhí tại làng gồm 14 em. Các em trong đội đều có tố chất chơi chiêng rất tốt và đồng đều nhau, thường được chọn để đi biểu diễn các lễ hội lớn nhỏ tại địa phương.

Kể từ khi được thành lập đến nay, đội cồng chiêng nhí của thôn luôn hăng say tập luyện, tuân thủ sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng. Cũng như các đội chiêng của người lớn, đội cồng chiêng nhí tại làng được chính quyền địa phương quan tâm, ghi nhận sự đóng góp trong các phong trào văn hóa tại địa phương.

a333.jpg
Với tài năng và niềm đam mê cồng chiêng của mình, nghệ nhân A Phái đang cố gắng “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, giúp lưu truyền, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Ba Na

Em A Doar (16 tuổi) là một trong những học trò giỏi trong đội chiêng nhí cho biết: "Trước khi được học kỹ thuật, chúng em được thầy dẫn đi rất nhiều lễ hội và buổi biểu diễn để xem và học hỏi. Những lúc ấy, thầy bảo chúng em chỉ cần tập trung nghe giai điệu và ngâm nga lại để thuộc, đến buổi tập hôm sau có thể nhớ lại và tự thực hành lại một cách đơn giản để tạo kỹ năng cảm âm. Chúng em rất thích học thầy A Phái bởi thầy rất hài hước và hay tạo không khí vui vẻ khi học, giúp chúng em tiếp thu tốt hơn".

Theo nghệ nhân A Kyunhm, A Phái được xem là “cố vấn đắc lực” cho các phong trào tập luyện, biểu diễn chiêng cũng như một số hoạt động nghệ thuật khác tại làng bởi kinh nghiệm lâu năm và gắn bó của ông với nghề.

Trước đây nghệ nhân A Phái từng là đội trưởng đội chiêng nam đầu tiên và trẻ nhất tại làng. Hiện tại, ông đã nhường lại nhiều vị trí và vai trò của mình cho các thế hệ sau nhưng nhiệt huyết và ngọn lửa đam mê với cồng chiêng vẫn cháy mãi trong ông.

Nghệ nhân A Phái vẫn âm thầm đóng góp cho các hoạt động văn hóa, phong trào tập luyện chiêng tại làng bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa độc đáo nơi này.

Trưởng thôn Kon Tơ Neh - Y Byenh cho biết: “ Nghệ nhân A Phái rất đam mê chỉ dạy cồng chiêng cho các em thiếu nhi và giảng giải về vẻ đẹp, cội nguồn của cồng chiêng cho các em nhỏ tại làng. Với sự đóng góp của ông, phong trào văn hóa tại làng, đặc biệt là cồng chiêng như được chắp thêm đôi cánh để phát triển mạnh mẽ hơn, giúp cho bà con trong làng thêm hiểu, quý trọng văn hóa truyền thống và gìn giữ các bộ cồng chiêng mà cha ông để lại”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO