Người uy tín trong cộng đồng là huyết mạch trong cuộc sống, góp phần quan trọng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân. Bằng uy tín của mình, những “trụ cột” của xóm, bản trong tỉnh Thái Nguyên đã có những hoạt động tuyên truyền tích cực để người dân nơi rẻo cao luôn sống và làm theo hiến pháp, pháp luật.
Giúp dân bản sáng mắt, sáng lòng
Đến nay, hẳn là nhiều người dân Thái Nguyên vẫn còn nhớ Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Đặng Đăng Lý, dân tộc Dao, sinh năm 1949, từng là Trạm trưởng Trạm y tế xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) - người đã “khai thông” suy nghĩ của bà con người dân tộc Dao nơi đây nên khi ốm đau, mọi người đều đến trạm y tế chứ không nhờ thầy cúng chữa bệnh nữa. Nghỉ hưu, trở về địa phương, ông Lý, lại được bầu làm người uy có tín của xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến. Ông cho hay: Là người có uy tín, tôi luôn hiểu được tầm quan trọng của công tác vận động, tuyên truyền. Đây chính là lý do tôi thường xuyên gặp gỡ bà con để tuyên truyền, giúp người dân “sáng mắt, sáng lòng”, chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với vốn kiến thức sâu rộng, để nâng cao nhận thức cho bà con, ông Lý luôn phân tích, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã, đang và có thể lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống chính quyền, Đảng và Nhà nước. Ông chia sẻ: Người Dao Cao Phong sống chân thật nhưng nhiều người vẫn còn cả tin. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự tại các vùng dân tộc thiểu số của tỉnh, huyện Đồng Hỷ vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường về an ninh trật tự. Nhiều phần tử xấu trà trộn vào cụm dân cư lợi dụng, kích động bà con tham gia các vụ kiện tụng, tranh chấp đất đai, tập trung đông người… Vì thế, tôi tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác, chống lại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; không tin, không làm theo lời xúi giục, lôi kéo, móc nối của các loại tội phạm, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, góp phần lớn trong việc điều tra phá án của lực lượng Công an.
Cũng giống như ông Lý, ông Phan Thế Mạnh, 66 tuổi, dân tộc Nùng, xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) cũng rất tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân nêu cao cảnh giác với kẻ xấu, giữ bình yên xóm, bản. Nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 1B, Đồng Chăn là địa bàn khá phức tạp về an ninh trật tự. Khoảng 5 năm trước, trên địa bàn xóm thường xuất hiện các trường hợp “câu” trộm chó; đến nhà người dân tiếp thị máy lọc nước ozon, nồi cơm điện, máy đo huyết áp, chụp và phóng ảnh làm kỷ niệm, các loại thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe… Nhiều người do nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo hàng chục triệu đồng.
Trong vai trò là người có uy tín, ông Mạnh đã đến từng nhà hộ dân tuyên truyền, vận động để bà con nhận diện được những đối tượng lừa đảo. Từ đó, chủ động đề phòng và báo cho lực lượng Công an, chính quyền địa phương ngay khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu khả nghi. Ông Mạnh chia sẻ: Được tuyên truyền kịp thời nên người dân rất cảnh giác. Mừng nhất là 4 năm nay, trên địa bàn xóm không có các trường hợp bị lừa đảo mua phải hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng.
Có thể thấy, với sự tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, người uy tín trên địa bàn tỉnh đã giúp bà con “sáng mắt, sáng lòng”, tin theo Đảng, Nhà nước; cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo; thực hiện đúng các quy định của pháp luật, như: không tham gia các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; không tụ tập đông người trái phép; không tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự.
Vận động người dân không theo tà đạo
Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ) - nơi có 137/192 hộ dân là người dân tộc Mông sinh sống. Nằm sâu trong thung núi, đường lên Mỏ Ba khá gian nan. Hơn 10 năm trước, nơi này được coi là bản “siêu đẻ”, là điểm dừng chân của những đối tượng tham gia các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật. Chúng đã “bí mật” xâm nhập, tuyên truyền, lôi kéo bà con theo một số loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật có yếu tố “tà đạo”, trong đó có tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Trong vai trò là người có uy tín ở Mỏ Ba, mục sư Hồng Văn Dình (đạo Tin Lành), 50 tuổi, người dân tộc Mông, đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người Mông nơi đây không tham gia vào tổ chức bất hợp pháp này. Ông Dình nói: Từ cái khổ của mình (lấy vợ sinh con từ năm 15 tuổi, đẻ liền tù tì 13 người con) nên tôi khuyên các con, mọi người trong xóm không nên cưới tảo hôn, không đẻ nhiều con mà phải tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, không để kẻ xấu lợi dụng cũng như không được tham gia vào các tổ chức tôn giáo trái pháp luật. Những người đang theo đạo Tin lành phải luôn sống ‘Tốt đời, đẹp đạo”, tự lực vươn lên chứ không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Là người có uy tín nói được, làm được, ông Dình tiên phong không hút thuốc lá, uống rượu; vợ chồng sống hòa thuận; vận động các con khi xây dựng gia đình phải sinh đẻ có kế hoạch… nên người dân, nhất là hơn 200 người theo đạo Tin Lành ở Mỏ Ba đều noi theo. Nhờ đó, đến nay, Mỏ Ba đã cơ bản chấm dứt vấn nạn tảo hôn, không còn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; bà con tích cực hiến đất, làm đường bê tông đến tận các hộ dân.
Còn tại bản Đồng Ươm, xã Dân Tiến (Võ Nhai), nơi có 70 hộ người dân tộc Mông sinh sống, người có uy tín Lầu Văn Bằng, 48 tuổi như một tấm gương sáng khi đã vận động thành công nhiều hộ dân ở đây không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Ông Bằng cho hay: Năm 2014, có một nhóm gồm 15 hộ dân ở đây có ý định tham gia tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Khi nắm được thông tin này, tôi đã đến tuyên truyền, vận động bà con không đi theo tổ chức tôn giáo trái pháp luật. Tôi bảo với bà con rằng, cái nào thật thì theo, cái nào không thật thì bỏ. Ban đầu, nhiều người vẫn nửa tin, nửa ngờ, lén lút tìm cách gia nhập tổ chức này. Nhưng tôi không bỏ cuộc, lúc gặp ở nhà, khi ở trên nương, có khi là khi đến giúp mọi người dựng nhà… tôi đều tuyên truyền, vận động, giải thích. Giờ thì mọi người đã nhận ra tổ chức này là trái pháp luật rồi nên không ai có ý định theo nữa mà chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật đã tìm cách xâm nhập vào địa bàn miền núi, vùng cao, vùng DTTS của tỉnh bằng nhiều hình thức khá tinh vi. Dù vậy, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, những người có uy tín đã vận động người dân không theo “tà đạo”, sống lương thiện, chăm lo xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.