Văn hóa

Người Ca Dong dưới chân núi Ngọc Linh

Huyền Thương 16/12/2023 - 08:25

Ca Dong là một trong những tộc người sinh sống lâu đời dưới chân núi Ngọc Linh. Tuy phải trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, song tộc người này vẫn còn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó có phong tục cưới không thể lẫn với bất cứ một dân tộc nào.

Khác biệt cách đặt tên làng

Người Ca Dong sinh sống chủ yếu ở hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam, với dân số hiện nay khoảng trên 25 nghìn người. Theo Viện Dân tộc học (Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) và Cục Thống kê thì người Ca Dong là một nhóm thuộc dân tộc Xơ Đăng (Xê Đăng) và không nằm trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam ban hành năm 1979. Tuy nhiên, các già làng Ca Dong cho rằng người Ca Dong và người Xơ Đăng là hai dân tộc khác nhau.

anh-bai-nguoi-ca-dong-duoi-chan-nui-ngoc-linh-1.jpg
Thiếu nữ Ca Dong trong trang phục truyền thống

Do sinh sống chung cùng với nhiều dân tộc khác nên người Ca Dong không tránh khỏi những giao thoa văn hóa, tuy vậy tộc người này vẫn giữ được rất nhiều phong tục, tập quán hết sức đặc biệt.

Nếu như người Kinh đặt tên làng, tên thôn dựa trên vị trí địa lý, nghề nghiệp truyền thống, đặc thù tự nhiên, hay mang ước vọng của con người… thì người Ca Dong ở một hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My lại có cách đặt tên làng, tên nóc đơn giản hơn, nhưng cũng không kém phần lý thú và ý nghĩa. Làng (plơi) là đơn vị xã hội truyền thống của người Ca Dong bao gồm nhiều nóc (spôk) có phạm vi đất đai riêng, ranh giới quy ước theo con suối, dòng sông, đỉnh núi…

Theo một số người già Ca Dong cho biết thì ngày xưa, khi số dân còn ít, người dân sinh sống thành làng rải rác trên các vùng núi và đặt tên làng dựa trên các con suối mà làng đó lấy nước sinh hoạt. Các địa danh ấy có thể kể đến như Ták Pỏ, Tắk Rang, Tắk Leng, Tắk Lê…

Chữ tắk được đọc chệch âm từ chữ đắk trong tiếng Xơ Đăng ở các tỉnh Tây Nguyên, nghĩa là nước. Sau này, chữ đắk được dịch nghĩa ra tiếng Kinh và các làng của người Ca Dong mới có những cái tên thuần Việt như Nước Xa, Nước Oa, Nước Là, Nước Vin…

Đối với người Ca Dong, nguồn nước với họ rất quan trọng và linh thiêng. Khi lấy nước từ những con suối về sinh hoạt, họ làm lễ cúng bái rất linh đình. Vì thế mà có tục cúng máng nước trong cộng đồng người Ca Dong ngày nay.

Về sau, khi dân số tăng lên trong mỗi ngôi làng, đồng nghĩa với việc nguồn lương thực cạn kiệt do phải chia đất đai cho nhiều người sản xuất nên họ lại tách ra để di cư đến những vùng núi lân cận lập làng mới, tìm đất đai sản xuất, tìm nguồn nước sinh sống. Từ đó có thêm đơn vị nóc. Và việc đặt tên cho mỗi nóc không dựa theo tên của nguồn nước như tên làng nữa mà đặt theo một cách khác.

Cụ thể, người Ca Dong đặt tên cho nóc của mình theo tên của người đứng đầu, đề xuất ý kiến tách khỏi làng để lập nóc mới. Sau này, tên nóc vẫn đặt theo tên người nhưng người đó còn phải là người có uy tín trong nóc và thường là tên một đảng viên người Ca Dong, như nóc ông Đoàn, nóc ông Nút, nóc ông Tí... Điều này càng cho thấy, người Ca Dong luôn giữ niềm tin vào Đảng và Bác Hồ.

Trang phục đặc sắc

Ngoài cách đặt tên làng, tên nóc rất riêng biệt, người Ca Dong còn có trang phục truyền thống hết sức đặc sắc, góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của tộc người này so với các dân tộc anh em khác trong vùng.

Trang phục truyền thống của người Ca Dong thường có 2 màu chủ đạo là màu đen và màu chàm. Họa tiết hoa văn trên trang phục được trang trí chạy dọc theo chiều dài của áo, váy, khố với ba màu chủ yếu là vàng, trắng, đỏ.

Phụ nữ Ca Dong thường mặc váy, áo kiểu chui đầu và có dây buộc ở bụng. Váy của họ được dệt từ những sợi bông với nhiều màu sắc khác nhau, trong đó chủ yếu là màu đỏ, vàng và trắng. Dưới mép của váy được trang trí với nhiều tua màu đỏ. Đi kèm với váy bao giờ cũng có một thắt lưng nền trắng mộc để buộc váy khỏi tuột.

anh-bai-nguoi-ca-dong-duoi-chan-nui-ngoc-linh-2.jpg
Các lễ hội của người Ca Dong mang đậm dấu ấn nông nghiệp

Thiếu nữ Ca Dong rất thích đeo chuỗi cườm nhiều màu sắc ở cổ và chuỗi dây đồng dài quấn thêm ở thắt lưng. Riêng những người phụ nữ đã có chồng và lớn tuổi, ngoài dùng dây buộc váy màu trắng ở bụng ra, họ còn dùng đồ trang sức bằng chuỗi dây đồng dài có gắn lục lạc quấn vào lưng quần, đeo nhiều trang sức bằng đồng, vòng bạc ở tay, ở cổ để tăng thêm vẻ đẹp mỗi khi tham gia lễ hội.

Người Ca Dong rất quý những chiếc vòng này, bởi nó cũng là tín vật không thể thiếu trong lễ cưới. Tùy vào điều kiện của từng gia đình, ngoài những tặng phẩm truyền thống, họ hàng nhà trai cần chuẩn bị một chiếc vòng đeo tay bằng đồng, vòng bạc để đôi bạn trẻ làm của hồi môn.

Trang phục đàn ông và thanh niên Cadong gồm có khố và tấm choàng hình chữ X. Khố là một tấm vải dài, khổ hẹp được dệt trên nền chàm đen, với ba màu: đỏ, trắng và vàng chạy dọc theo chiều dài của thân khố và hai bên thân, chân khố được kết nối với những tua màu đỏ.

Khi đàn ông, thanh niên mặc khố, họ luồn qua hai chân, quấn quanh thắt lưng, thả mành mành hai đầu buông dài trước và sau đến gần cổ chân có dáng hình chữ T. Trong các lễ hội, trang phục của đàn ông và thanh niên Ca Dong có thêm một tấm choàng quấn chéo trên ngực, dáng chữ X toát lên vẻ đẹp hoang dã, và mang đậm chất của một cư dân miền núi.

Trang phục truyền thống của người Ca Dong không chỉ hàm chứa giá trị sáng tạo, giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ và cả giá trị nhân văn, mà còn còn ẩn chứa tâm lý, tình cảm của tộc người với môi trường thiên nhiên xung quanh, với Trời và Đất. Điều đó được đúc kết từ đời sống hằng ngày, từ lao động sản xuất và cốt cách mang đặc trưng văn hóa truyền thống của tộc người trên dọc dải Trường Sơn và Tây Nguyên.

Nhiều lễ nghi nông nghiệp

Người Ca Dong luôn có ý thức cao về giống nòi của mình. Họ luôn tự hào về truyền thống văn hóa của ông bà tổ tiên, về những phong tục lâu đời mang đậm bản sắc dân tộc như lễ cúng máng nước, cúng mừng lúa mới, cúng trước khi đưa thóc vào kho, ăn trâu huê, cúng heo ba đầu, các phong tục ma chay, cưới xin...

Trong đó, lễ cúng máng nước (Karát - langták) thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 âm lịch thể hiện quan niệm uống nước nhớ nguồn, cảm tạ thần linh đã ban cho dân làng nguồn nước sinh sống.

Lễ cúng này cũng là một hình thức cố kết cộng đồng. Cả làng, cả nóc sẽ góp đồ cúng đến cúng và ăn chung ở máng nước, rồi về tổ chức ăn ở nhà. Người có uy tín nhất trong làng đứng ra cúng Thần nước và các siêu linh khác, cầu xin được mưa thuận gió hòa, có đủ nước sạch cho dân làng khoẻ mạnh, mùa màng tốt tươi, gia súc phát triển.

anh-bai-nguoi-ca-dong-duoi-chan-nui-ngoc-linh-3.jpg
Trong ngôi nhà của người Ca Dong, bếp lửa luôn có một vai trò hết sức quan trọng

Còn lễ mừng lúa mới và cúng đưa thóc vào kho chứa bảo quản cũng mang nặng lễ nghi nông nghiệp, được tổ chức long trọng sau khi đồng bào thu hoạch lúa rẫy. Lễ cúng chủ yếu là cầu cho mùa màng bội thu, dân làng no ấm.

Bên cạnh đó, các phong tục như ăn trâu huê (đâm trâu), cúng heo ba đầu (cúng ba cái đầu heo) cũng được thực hiện một đến hai lần trong một năm, mang đậm màu sắc văn hóa và quan hệ cộng đồng. Ngôi nhà sàn giữa làng là nơi để thực hiện các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng này. Đây cũng là dịp để cả cộng đồng gắn kết, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau sinh hoạt văn hóa, vui chơi sau những ngày làm việc vất vả...

Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Ca Dong đã và đang phải đối mặt với nguy cơ mai một văn hóa truyền thống. Những người am hiểu phong tục, tập quán đang ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ thờ ơ với văn hóa dân tộc mình.

Để gìn giữ và phát huy những bản sắc của đồng bào Ca Dong nói riêng và các dân tộc thiểu số sống trên địa bàn nói chung, từ nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Nam và hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My đã có nhiều biện pháp cũng như chủ trương nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc truyền thống.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Bắc Trà My còn đầu tư kinh phí để phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, hằng năm vẫn duy trì tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao tại các xã và cụm xã, cho đến cấp huyện.

Tại đây, các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tái hiện lễ hội truyền thống, nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc và thi các làn điệu dân ca, dân vũ đã được tái hiện một cách phong phú và đa dạng. Nhờ vậy, đến nay, nhiều bản sắc dân tộc, có nét văn hoá riêng, lâu đời của đồng bào Xơ Đăng, Ca Dong, Co... vẫn được lưu giữ.

Cùng với đó, ngành văn hóa huyện còn truyền dạy nghề đan lát, hát dân ca, dân vũ cho đội ngũ thanh niên, học sinh các trường Dân tộc nội trú trong huyện, nhằm gìn giữ và lưu truyền những bản sắc truyền thống. Hy vọng rằng, với sự cố gắng đó, các nét văn hóa đặc sắc của người Ca Dong nói riêng, các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung sẽ không bị mai một.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO