Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2024 đã bắt đầu. Không khí nhộn nhịp từ trên những đồi chè xanh mướt đến những con đường làng và từng ngôi nhà xinh xắn của người nông dân nép mình bên những vạt đồi đầy hoa trái. Trong các nhà máy, xưởng sản xuất, từng tốp công nhân hối hả vào ca như báo hiệu một vụ chè thắng lợi.
Văn Chấn có diện tích trên 4.000 ha chè, được ví như thủ phủ chè của Yên Bái, bình quân mỗi năm, sản lượng thu hái, chế biến luôn chiếm già nửa sản lượng chè toàn tỉnh. Bước vào vụ chè năm nay, ngay từ đầu năm, huyện đã vận động nhân dân tích cực đầu tư, chăm bón cũng như hướng dẫn kỹ thuật thu hái để đảm bảo chè đạt năng suất, chất lượng tốt nhất.
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Tuy mới bước vào niên vụ sản xuất chè 2024 nhưng do bà con nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc, cùng với những diện tích chè trồng mới, trồng cải tạo, chè Shan vùng cao nay qua thời gian kiến thiết cơ bản nên diện tích chè trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, các công ty, doanh nghiệp, bà con nhân dân vùng chè đã thu hái trên 15.000 tấn chè búp tươi. Huyện phấn đấu hết niên vụ sẽ đạt trên 48.000 tấn búp tươi”.
Trên vùng chè Liên Sơn, thị trấn Nông trường Trần Phú, bà con nông dân đang khẩn trương thu hái bên những nương chè xanh ngát, búp tua tủa chạy tít tận chân trời. Thời tiết đầu vụ đến nay không quá thuận lợi nhưng cũng không quá bất lợi, cùng với người trồng chè đã biết đầu tư chăm sóc tốt hơn, thu hái đảm bảo phẩm cấp nên năng suất, sản lượng chè đều tăng, bình quân năng suất đạt 12-13 tấn, có nhiều đồi chè đạt tới 14 - 15 tấn/ha.
Bà Hoàng Thị Vinh ở thị trấn Nông trường Liên Sơn đang cùng mấy người hàng xóm thu hái chè cho biết: "Đây là lứa thứ hai gia đình thu hái, do đầu tư chăm sóc tốt nên chè đạt năng suất khá cao, cứ đà này năm nay đạt không dưới 14 tấn/ha. Giá chè thu mua tùy thời điểm, bình quân từ 4.500 đến 5.500 đồng/kg. Với giá này bình quân mỗi héc-ta cũng thu ngót trăm triệu đồng, sau trừ chi phí cũng bỏ ra được 40 - 50 triệu đồng, người làm chè sống được bằng chè”.
Qua thực tế cho thấy, phần lớn ở vùng chè Văn Chấn tuy đã trồng cải tạo bằng các giống chè lai nhưng chủ yếu sản xuất phục vụ cho chế biến chè đen nên giá nguyên liệu búp không cao, hiệu quả kinh tế trên mỗi héc-ta canh tác còn thấp. Chỉ có một phần nhỏ người dân trồng giống chè nhập nội, chè Shan giâm cành vùng cao đưa vào chế biến chè xanh thì giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg búp. Duy chỉ có một ít diện tích chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, Phình Hồ… được thu mua giá cao, chế biến thành phẩm bán giá trung bình 250.000 - 500.000 đồng/kg chè khô, đặc biệt có loại giá hàng triệu đồng nhưng con số này không nhiều.
Đối với huyện Trấn Yên, tuy không có nhiều diện tích cũng như sản lượng nhưng nông dân Trấn Yên đang có hướng đi và cách làm riêng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều diện tích chè đạt giá trị 200 triệu đồng/ha. Lời giải cho sản xuất, kinh doanh chè chính là đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức từ truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè sạch, chè an toàn mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, người làm chè sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất chè sạch, chè VietGAP. Nhóm 5 hộ gia đình tại thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh trước đây sản xuất đơn lẻ, nhà nào nhiều diện tích trên 5 ha. Các hộ sản xuất đều áp dụng theo quy trình VietGAP, có 3 hộ sản xuất chế biến đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg, chè VietGAP 150.000 - 200.000 đồng/kg mang lại hiệu quả rất cao. Nga Quán không có quá nhiều đất đai, chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 15 ha chè, chủ yếu bằng giống Bát Tiên nhưng người dân nơi đây đang làm giàu từ chè.
Chủ tịch UBND xã Phạm Thăng Long thông tin: "Nga Quán là một trong những đơn vị hành chính đầu tiên của huyện đưa vào trồng thử nghiệm giống chè Bát Tiên từ năm 2002. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, xã phát triển được 15 ha. Diện tích ít, người dân chọn cách làm chè VietGAP, chè hữu cơ, nhờ vậy giá 1 kg chè búp đạt 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao gấp 4 lần giá chè thường, giá trị 1 ha canh tác đạt 200 triệu đồng”.
Như để minh chứng, chúng tôi đến gia đình ông Đinh Văn Lợi ở thôn Hồng Hà, tuy không phải là hộ có nhiều chè nhưng hơn 8 sào chè giống Bát Tiên được canh tác hoàn toàn hữu cơ, áp dụng phương pháp tưới thông minh, tưới nhỏ giọt.
Ông Lợi chia sẻ: "Với suy nghĩ diện tích chè mình ít thì mình phải làm khác biệt so với đại trà mới hy vọng mang lại giá trị cao, gia đình tôi sản xuất chè hữu cơ, tự ủ phân để sản xuất, đầu tư xây bể chứa phân, lắp đặt hệ thống tưới lúc đầu tưới phun sương, giờ chuyển tưới nhỏ giọt và hoàn toàn tự động hóa. Chè sinh trưởng phát triển tốt, thu hái bằng tay đảm bảo đúng kỹ thuật theo công thức "một tôm, hai lá, một cá, hai chừa”. Thu hái đến đâu, gia đình đưa luôn ra cơ sở chế biến của hợp tác xã để chế biến lấy sản phẩm, đóng gói bán với giá dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/kg chè khô”.
Với diện tích 8 sào chè, chăm sóc hữu cơ, thu hái kỹ thuật, chè sinh trưởng phát triển tốt, bình quân mỗi năm, gia đình ông Lợi thu hái 17 đợt, mỗi đợt đạt 120 kg chè búp tươi, sản lượng đạt hơn 2 tấn, bán nguyên liệu cho thu 41 triệu đồng/năm, đưa vào chế biến bán được 100 triệu đồng/năm - một con số mơ ước của người trồng chè.
Rời vùng chè Văn Chấn, Trấn Yên, qua những đồi chè xanh ngát, hương chè đậm đà dưới cái nắng đầu hè tạo ra một cảm giác hưng phấn lạ thường, giờ chỉ cầu mong mưa thuận, gió hòa, cho một vụ chè thắng lợi.