Xã hội

Nâng cao quyền năng, vị thế cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Trường Hà 01/04/2024 - 16:19

Thực hiện các mục tiêu Dự án “Thực hiện bình đẳng giới (BĐG) và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em (PN&TE)” (Dự án 8), năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng các mô hình, hoạt động đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho PN&TE vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Thực hiện mục tiêu của Dự án 8 nâng nâng cao nhận thức BĐG, thay đổi định kiến chăm lo đời sống và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với PN&TE vùng đồng bào DTTS, các cấp Hội LHPN tổ chức 462 hội nghị tập huấn (cấp tỉnh, huyện, xã, xóm) cho hơn 10.000 lượt lãnh đạo đảng ủy, UBND xã, cán bộ văn hóa xã, chủ tịch, phó chủ tịch hội LHPN xã và bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện các đoàn thể xóm, người có uy tín trong cộng đồng…

Các cấp Hội vận dụng linh hoạt, thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội zalo, facebook… về các nội dung Luật BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực xã hội.

117501_can_bo_hoi_vien_hoi_lien_hiep_phu_nu_huyen_quang_hoa_ung_dung_cong_nghe_thong_tin_xay_dung_noi_dung_gioi_thieu_va_ban_san_pham_ocop_dia_phuong_online__16001128.jpg
Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quảng Hòa ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nội dung giới thiệu và bán sản phẩm OCOP địa phương online trên mạng xã hội.

Chị Hoàng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa An cho biết: Để Dự án 8 có sức lan tỏa tại cơ sở, cán bộ, hội viên có điều kiện chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về công tác tuyên truyền, Hội LHPN huyện tổ chức giao lưu giữa 14 tổ truyền thông cộng đồng (TTTCĐ)/14 xã, thị trấn với sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn và thành viên các TTTCĐ. Qua đó, các TTTCĐ học hỏi, chia sẻ được nhiều cách làm, kinh nghiệm hay để tổ chức các hình thức tuyên truyền BĐG phù hợp với điều kiện cơ sở, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE đến hội viên và nhân dân.

Hội LHPN các huyện, Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh, các cuộc họp, hội nghị huyện, xã, xóm; tuyên truyền trên zalo, facebook về các nội dung BĐG, phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em…

Từ đa dạng các loại hình tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về BĐG, thay đổi nếp nghĩ, định kiến trong cộng đồng vị thế, quyền năng của PN&TE tại cơ sở. Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tăng từ 2 - 5%, 25 - 40% cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, quản lý cấp phòng và tương đương, 25 - 30% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh là phụ nữ.

Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả tại cơ sở

Để Dự án 8 đem lại lợi ích thiết thực cho PN&TE, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hướng dẫn xây dựng các mô hình Dự án 8 như: thành lập và ra mắt 546 TTTCĐ, 55 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 63 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS; tổ chức 96 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm xóm bản, tổ chức 10 lớp tập huấn công nghệ thông tin cho 660 cán bộ phụ nữ cơ sở về phát triển các mô hình sinh kế, khởi nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin bán hàng online; xây dựng tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0…

Cùng với việc tổ chức ra mắt các mô hình, Hội LHPN tỉnh chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên các mô hình, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và người dân trong cộng đồng. Các mô hình, chương trình hoạt động ngày càng phát huy hiệu quả trong thay đổi định kiến giới, thúc đẩy xã hội thực hiện BĐG tại cơ sở.

Bí thư, Trưởng xóm, Tổ trưởng TTTCĐ Dự án 8 xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê (Thạch An) Nông Văn Tuệ cho biết: Sau khi được tập huấn về Dự án 8, tôi và thành viên TTTCĐ đã soạn các nội dung về BGĐ để tuyên truyền tại các buổi họp xóm, sinh hoạt chi bộ… Qua đó, không chỉ có chị em phụ nữ mà 100% nam giới trong xóm nâng cao nhận thức về BĐG nên không có người sinh con thứ 3, không định kiến trọng nam khinh nữ, tạo điều kiện và khuyến khích chị em phụ nữ tham gia văn nghệ, thể thao, xây dựng nông thôn mới... Hiện nay, xóm có 100/134 hộ do phụ nữ làm chủ hộ chủ động học tập kỹ thuật và mạnh dạn vay trên 5 tỷ đồng đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây quế, hồi và chè hữu cơ, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ trong gia đình.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt Minh cho biết: Sau khi cán bộ, hội viên cơ sở được tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay, 100% huyện, Thành phố và 152/161 cơ sở hội thành lập các trang fanpage, nhóm Zalo phục vụ công tác chỉ đạo và tuyên truyền. Trang fanpage facebook “PHỤ NỮ CAO BẰNG” thu hút trên 5.000 người theo dõi; trang thông tin điện tử cập nhật kịp thời thông tin về các phong trào, hoạt động, những mô hình hay, điển hình tiên tiến của hội viên, phụ nữ. Nhiều hội phụ nữ xã, xóm làm fanpage, tiktok giới thiệu và bán nông sản online các sản phẩm OCOP địa phương.

Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội duy trì và thành lập các mô hình theo chỉ tiêu đến năm 2025. Trong đó, thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn thôn bản; hỗ trợ tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; tăng cường tổ chức các đợt đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, nâng cao năng lực cho nữ tham gia lãnh đạo, quản lý, nữ quy hoạch trong hệ thống chính trị… Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Dự án 8 giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn tỉnh có 996 xóm đặc biệt khó khăn thuộc 146 xã (43 xóm/18 xã khu vực I, 15 xóm/4 xã khu vực II, 938 xóm/124 xã khu vực III), trên 85% hội viên, phụ nữ thuộc diện được thụ hưởng Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Năm 2023, các nội dung Dự án 8 được triển khai đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện cho PN&TE vùng DTTS cải thiện, nâng cao đời sống, từng bước xây dựng xã hội bình đẳng, văn minh.

Theo Báo Cao Bằng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO