Sơ bộ kết quả thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã vượt chỉ tiêu tỉnh giao năm 2023; trong đó những tác động từ các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững dành cho miền núi phát huy hiệu quả bước đầu.
Giảm sâu hộ nghèo, cận nghèo
Thoát khỏi danh sách hộ nghèo, đối với gia đình ông Đinh Văn Tư (thôn 2, xã Trà Don) là một quá trình không ngừng cố gắng làm ăn. Bằng sự trợ giúp của nguồn vốn vay hộ nghèo, từ năm 2017 ông Tư đã vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My để nuôi bò, trồng quế.
Hiện nay, vợ chồng ông đã có trong tay đàn bò 5 con, 1.000 gốc quế lớn đã cho khai thác, hơn 3.000 gốc quế nhỏ khoảng 3 năm tuổi. Trong vườn, ông có trồng thêm sắn, cau, mít... Sau 5 năm vay vốn, ông Tư đã trả được 50 triệu đồng vay khi còn là hộ nghèo.
Ông chia sẻ: “Khi cán bộ xã vận động đăng ký thoát nghèo bền vững, tôi với vợ thấy mình đã đủ điều kiện nên đăng ký. Gia đình tôi cũng vừa được cấp thêm giống quế con để tiếp tục trồng mở rộng. Tôi sẽ vay vốn để trồng quế, nuôi bò và trồng sâm Ngọc Linh thử nghiệm. Hy vọng làm ăn tốt thì cuộc sống đỡ vất vả hơn”.
Theo ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don, năm 2023, huyện giao cho xã phải giảm được 41 hộ nghèo. Kết quả, sau nhiều nỗ lực, huyện đã giảm được 86 hộ nghèo, hơn gấp đôi số lượng được giao. Để có được kết quả này, ông Thực cho rằng khâu quan trọng là tuyên truyền.
Bởi với người dân vùng cao, nhiều người... muốn nghèo, họ nghĩ rằng nghèo là được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ nhiều mặt. Vì vậy, cán bộ xã, thôn phải vận động, phân tích kỹ cho người dân thấy được giá trị của việc nỗ lực vươn lên thoát nghèo sẽ tự chủ về kinh tế, đời sống cũng được cải thiện...
Ông Thực cho biết: “Bản thân hộ nghèo phải có ý chí vươn lên thì Nhà nước mới hỗ trợ vay vốn, phát triển sản xuất, tranh thủ nguồn lực giúp thêm trong việc xóa nhà tạm...
Trong rà soát hộ nghèo năm 2023 vừa qua, xã công khai kết quả rà soát hộ nghèo sau rà soát tại thôn để cộng đồng thôn cùng xem xét. Qua đó giúp việc phân loại hộ nghèo, cận nghèo diễn ra chính xác hơn”.
Hiệu quả từ chính sách
Theo ông Đặng Duy Ba - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Nam Trà My, năm 2023, Nam Trà My được tỉnh giao chỉ tiêu giảm 376 hộ nghèo. Đến nay, kết quả rà soát sơ bộ, số hộ nghèo giảm được là 457 hộ, hiện toàn huyện còn 3.152 hộ nghèo (chiếm 38,65%, giảm 6,04% so với năm 2022); số hộ cận nghèo là 377 hộ (chiếm 4,62%). Một số xã có số hộ nghèo giảm vượt số lượng giao như Trà Don (86/41), Trà Leng (50/47), Trà Linh (47/46), Trà Vinh (51/41).
Đây chưa phải là kết quả cuối cùng, bởi huyện đang tiến hành phúc tra lại số liệu giảm nghèo, kiểm tra thực tế ở từng xã. Nhưng con số ban đầu đã cho thấy những tác động tích cực từ các chính sách tổng lực dành cho người dân ở các huyện miền núi, trong đó có Nam Trà My.
Từ các chương trình mục tiêu quốc gia gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nông thôn mới, các nguồn lực đã được lồng ghép hiệu quả, tác động vào đời sống nhân dân, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, xã hội.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Nam Trà My được đầu tư hơn 115,3 tỷ đồng cho các dự án, hợp phần của chương trình. Huyện đã thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các đối tượng thụ hưởng, như hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức nhóm tổ cộng đồng; liên kết, tiêu thụ sản phẩm; phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Ba cho biết, việc tuyên truyền được thực hiện từ đầu, chủ yếu về các chủ trương, chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những hộ gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Các đơn vị được phân công giúp đỡ hộ nghèo bám sát, hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo... Dự án sản xuất chủ yếu nuôi dê, trồng dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ, tác động tích cực vào ý thức vươn lên làm ăn để thoát nghèo của các hộ dân.