Gương sáng

Một đời phụng sự cách mạng

Quế Lâm - Hồng Nhung 08/05/2024 - 08:28

Ngoài 80 tuổi, Đại tá Dương Văn Thương - nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, vẫn duy trì sinh hoạt đảng đều đặn hàng tháng. Do tuổi cao nên ông thường được các con đưa đi họp, thỉnh thoảng các đồng chí trong chi bộ đến nhà đón ông cùng đi. Dẫu biết ở độ tuổi của mình có thể xin phép ngừng sinh hoạt đảng nhưng Đại tá không làm điều đó. Với ông, tham gia sinh hoạt đảng là việc phải làm, cần làm, còn sức khỏe là còn kiên trì, phấn đấu, giữ tròn vai trò, trách nhiệm của người đảng viên.

“Linh hồn” của một đơn vị anh hùng

Đại tá Dương Văn Thương sinh năm 1943 tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh trong một gia đình nông dân nghèo. Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ vốn là vùng đất có truyền thống cách mạng nên ông được vun bồi lòng yêu nước từ rất sớm.

“Khi phong trào Đồng Khởi phát triển mạnh mẽ, lực lượng Đoàn Thanh niên của ta lúc bấy giờ tổ chức vận động thanh, thiếu niên tại địa phương tham gia hoạt động cách mạng. Được động viên, hướng dẫn, bản thân lại nhận thấy cách mạng là con đường đúng đắn để giải phóng quê hương nên tôi tham gia và quyết một lòng trung thành với Đảng” - Đại tá Dương Văn Thương nói.

37_39893176_dai-ta-duong-van-thuong-1-3-.jpg
Giờ đây, Đại tá Dương Văn Thương vui hưởng tuổi già với thú điền viên, bên gia đình.

Giác ngộ cách mạng năm 17 tuổi, ông Dương Văn Thương tham gia du kích khi phong trào Đồng Khởi đang diễn ra mạnh mẽ ở miền Nam. Sau 3 năm hoạt động du kích ở cơ sở, năm 1963, thiếu niên Dương Văn Thương chính thức nhập ngũ vào bộ đội địa phương trong biên chế Đại đội 1, Tiểu đoàn 504 tỉnh Kiến Tường.

Tham gia Tiểu đoàn 504, từ một người lính, ông Dương Văn Thương được rèn luyện và nhanh chóng trưởng thành. Năm 1967, để chuẩn bị lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn 504 được tổ chức, biên chế như 1 tiểu đoàn chủ lực. Lúc bấy giờ, ông Dương Văn Thương là Đại đội trưởng của Đại đội 1 (đại đội chủ công) thuộc Tiểu đoàn 504.

Tháng 3/1968, ông được đề bạt giữ chức vụ Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng từ tháng 4/1968. Thời điểm đó, ông cùng đồng đội tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt kích Trâu Điên - một tiểu đoàn nguy hiểm của địch - khơi thông hành lang vận chuyển lương thực, vũ khí của ta cho chiến trường miền Nam.

Tiểu đoàn Trâu Điên là tiểu đoàn biệt kích được huấn luyện chuyên nghiệp, tiếp tế lương thực, vũ khí liên tục, giữ nhiệm vụ cắt đứt tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, lương thực của ta lúc bấy giờ. Với thủ đoạn tàn ác “giết nhầm hơn bỏ sót”, chúng tăng cường càn quét, bắn giết vô tội vạ bất cứ người nào đi qua khu vực hành lang huyết mạch của ta. Những cánh đồng bị đốt rụi hoàn toàn, tầm nhìn có thể lên đến hàng chục cây số khiến lực lượng ta không còn nơi ẩn nấp, hành quân.

Nhận thấy tình thế cấp bách, cấp trên giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 504 phải tiêu diệt bằng được tiểu đoàn Trâu Điên trong vòng 7 ngày. Lợi dụng khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi, cặp theo ngọn Sông Trăng vẫn còn nhiều cỏ sậy có thể ẩn náu, Tiểu đoàn trưởng Dương Văn Thương triển khai lực lượng, nương theo kênh Nguyễn Văn Trỗi để hành quân và mai phục. Mặt khác, ta vận động quần chúng giả vờ tát đìa bắt cá để dẫn dắt địch vào khu vực phục kích. “Khi phát hiện tiểu đoàn Trâu Điên hành quân đến khu vực ta đang ém quân, chúng tôi mừng thầm trong bụng. Đợi chúng đến cách khoảng 5m thì quân ta nổ súng, toàn bộ tiểu đoàn Trâu Điên bị tiêu diệt gọn. Tiểu đoàn 504 hoàn thành nhiệm vụ” - Đại tá Dương Văn Thương hồi tưởng.

Chiến thắng tại khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi tạo tiếng vang khắp vùng Kiến Tường ngày ấy. Di tích lịch sử Khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi hiện nay thuộc địa phận xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng.

Sau chiến thắng vẻ vang tại khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi ngày 20/4/1968, tháng 7/1968, Tiểu đoàn 504 tiếp tục được điều về Tân An. Hành trình vượt sông hành quân hàng trăm cây số từ Đồng Tháp Mười về khu vực trung tâm đầy gian khó. Tiểu đoàn phải vượt sông Vàm Cỏ Tây trong đêm, khi nước lớn nhằm tránh để lại dấu vết trên bãi bồi. Vừa lội sông với quân trang, quân dụng, vừa phải tránh đèn pha của máy bay địch tuần tra, cả tiểu đoàn qua sông an toàn thì Tiểu đoàn trưởng Dương Văn Thương mới thở phào nhẹ nhõm.

Tại Tân An, Châu Thành, Tiểu đoàn 504 đã đánh thắng nhiều trận tại An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Bình Quới,... trong đó có chiến công tiêu diệt gọn một trung đội Mỹ tại Tầm Vu.

Trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, Tiểu đoàn trưởng Dương Văn Thương cùng đồng đội trong Tiểu đoàn 504 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân do Nhà nước phong tặng.

“Chỉ được dùng không khí và nước trên đất bạn”

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, từ cuối năm 1977, Đại tá Dương Văn Thương được điều động về làm Tham mưu phó Trung đoàn 159 chiến đấu ở chiến trường biên giới và tham gia giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Sau đó, đồng chí tiếp tục cùng Trung đoàn 159 thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn xây dựng lại đất nước sau họa diệt chủng. Đất nước Campuchia sau ngày giải phóng gần như “trở về vạch xuất phát”: Không còn nhà cửa, phương tiện sản xuất, cơ sở vật chất bị phá hủy gần như hoàn toàn, người dân lâm vào tình trạng đói khổ. Trong khi đó, đất nước ta cũng hết sức khó khăn, lương thực cấp cho bộ đội phải kèm bo bo, bột mì thay gạo.

Với phương châm sẻ chia, đùm bọc, bộ đội Việt Nam nhường gạo cho người dân nước bạn, cho đến khi việc sản xuất từng bước được khôi phục. Đại tá Dương Văn Thương kể: “Thời điểm đó, bộ đội vừa chiến đấu với tàn quân Pol Pot, vừa hỗ trợ nước bạn xây dựng chính quyền. Trong suốt những năm tháng đó, chúng tôi luôn giữ tròn quân luật là chỉ được dùng không khí và nước trên đất bạn mà thôi!”.

37_5411748_dai-ta-duong-van-thuong-3-2-.jpg
Đại tá Dương Văn Thương giai đoạn làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. (Ảnh chụp lại)

Cuối năm 1984, Đại tá được điều động làm chuyên gia Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội tỉnh Kông Pông Thom, chuyên gia Tỉnh trưởng, Đoàn trưởng chuyên gia quân sự tỉnh Prey Veng. Từ năm 1987, các đoàn chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam lần lượt được rút về nước.

Năm 1989, Đại tá Dương Văn Thương được điều động về Tỉnh đội Long An, giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng rồi Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Suốt cuộc đời phụng sự cho cách mạng, Đại tá Dương Văn Thương chẳng ngại ngần việc vào sinh, ra tử. Niềm vui, hạnh phúc gia đình, Đại tá đều đặt phía sau trách nhiệm với Đảng, quê hương. Giờ đây, Đại tá vui hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu và vẫn một lòng sắt son với Đảng.

Theo Báo Long An
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO