Đời sống xã hội

Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn: Đổi thay trên vùng đất cách mạng

Dương Vương 20/04/2024 - 09:22

Cách đây 71 năm, Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn vang vọng khắp năm Châu, sự xuất hiện của lực lượng Tiểu đoàn 59 năm xưa đã khiến quân viễn chinh Pháp run sợ. Sau ngày giải phóng đất nước, cuộc sống nhân dân nơi địa danh lịch sử này dần đổi thay từng ngày, hòa cùng sự phát triển chung của đất nước.

Chiến công của Tiểu đoàn 59 anh hùng

Địa danh căn cứ Đá Bàn là nơi đóng quân của cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa, quân địch quyết chiếm đóng và sử dụng trên 4.000 quân lính, có lực lượng Âu, Phi thiện chiến từ Bình Trị Thiên đưa vào tham chiến, điều động phi cơ và pháo binh yểm trợ, do Thiếu tướng Le Blance – Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại miền Trung chỉ huy.

vgdb_td59-2.jpg
Di tích lịch sử Căn cứ cách mạng Đá Bàn là cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa năm xưa.

Sáng ngày 19/4/1953, quân Pháp tấn công cứ điểm Đá Bàn từ ba hướng nhằm đánh trực diện căn cứ và đón lõng đường rút của quân ta. Lúc này, Tiểu đoàn 59 của Quân khu 5 đã có mặt ở căn cứ Khánh Hòa. Ta đánh địch từ xa, chông, mìn đã cắm, gài sẵn để chờ chúng, làm cho các cánh quân của địch bị thương vong ngay từ đầu; đồng thời thăm dò chống đỡ, tiến quân từng bước và đến chiều lực lượng ta vào được khu vực bìa căn cứ.

Buổi tối, lợi dụng tầm nhìn hạn chế, Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy, bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió, áp sát vòng ngoài phục kích trên đoạn Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn, cách Bến Ghe khoảng nửa cây số để chặn đánh đường rút quân của địch. Mặc dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng không hề hay biết.

Sáng ngày 20/4, quân địch sử dụng phi cơ thả bom, pháo bắn vào vùng rừng gần phía Tây căn cứ, rồi bộ binh tiến vào nhưng bị chông, mìn và du kích chặn đánh làm thương vong địch. Chúng tiến sâu trong rừng khoảng 70 m, đốt phá nhà dân, trại sản xuất, bãi giao liên rồi hoảng sợ quay ra. Khoảng 11 giờ, chúng bắt đầu rút quân và có máy bay L.19 quần lượn chỉ đường.

Chờ đội hình địch rút cánh quân cuối cùng, lọt vào trận địa phục kích, toàn bộ hỏa lực của Tiểu đoàn 59 tấn công quân địch khiến chúng không kịp trở tay, những tên còn sống sót nhào xuống Suối Sâu, gầm cầu bị mìn, lựu đạn tiêu diệt. Trận đánh kéo dài chừng 20 phút là kết thúc, kết quả trận này ta diệt gọn hơn 1 đại đội Âu, Phi, thu 1 đại liên, hơn 100 súng các loại cùng các trang bị khác của địch.

Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa. Từ đó đến khi Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954, không có cuộc hành quân càn quét nào của chúng dám vượt qua Cầu Gỗ, Suối Sâu, Vườn Gòn, nơi có trận bão lửa diễn ra để vào trung tâm căn cứ Khánh Hòa đánh phá.

Cuộc chiến Vườn Gòn – Đá Bàn mãi mãi âm vang một chiến công hiển hách trên mảnh đất quê hương Ninh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.

Ninh Hòa xưa và nay

Sau ngày đất nước giải phóng, khu chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn chủ yếu phục vụ nông nghiệp trên vùng đất khô cằn, đời sống kinh tế nhân dân vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng lúa, bông gòn, mía, bắp và đa số là hộ nghèo. Đến khi Đá Bàn được đầu tư xây dựng các công trình phục vụ nông nghiệp, hồ thủy lợi, đã góp phần đưa nguồn nước về sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho các địa phương ở khu vực đồng bằng thị xã Ninh Hòa. Đời sống nhân dân nơi đây ngày càng khởi sắc.

vgdb_td59-3.jpg
Từ vùng đất heo hút, rừng núi âm u đã đổi thay thành thị xã Ninh Hòa ổn định và phát triển như hôm nay.

Bước qua hành trình đổi mới và phát triển, trong năm 2023, thị xã Ninh Hòa giảm số hộ nghèo 235/90 hộ (đạt 261% kế hoạch), hộ cận nghèo giảm 742/450 hộ (đạt 165% theo kế hoạch) trong tổng số 256.911 hộ. Ghi nhận đến tháng 12/2023, số hộ nghèo chỉ còn 1,27% và hộ cận nghèo còn 3,68%.

Bên cạnh công tác chăm lo thoát nghèo, thị xã Ninh Hòa đạt giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước được 18.213 tỷ đồng, vượt 1,6% kế hoạch năm 2023 và tăng 14,8% so với năm 2022; công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm tăng từ 5-10%; sản xuất phương tiện vận tải như đóng mới tàu thuyền tăng trên 15%; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước được 3.238 tỷ đồng, đạt 100,1% kế hoạch và tăng 3,3% cùng kỳ; thu ngân sách đạt 1.540 tỷ đồng (vượt 53% dự toán UBND tỉnh giao và vượt 45% so với Nghị quyết HĐND thị xã giao).

Với sự chung tay cả hệ thống chính trị thị xã Ninh Hòa, bộ mặt đô thị dần khởi sắc dọc hai bên Quốc lộ 1A. Trong năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa đã khánh thành Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa đã góp phần nâng tầm di tích lịch sử, làm địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ hướng về cội nguồn của cha ông, đặc biệt là sự tri ân đối với chiến sĩ, anh hùng của Tiểu đoàn 59 và lực lượng quân, dân địa phương.

vgdb_td59-1.jpg
Địa chỉ Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là địa chỉ đỏ làm lễ kết nạp Đảng của các cơ quan, tổ chức chính trị của tỉnh Khánh Hòa.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Sau khi giải phóng năm 1975, đời sống nhân dân ở khu vực Vườn Gòn – Đá Bàn vô cùng khó khăn, vùng núi heo hút, người dân sống dựa vào hoa màu và nông nghiệp ngắn ngày. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến đường, chợ dân sinh, trường học,… đã đưa cuộc sống nhân dân khu vực Vườn Gòn – Đá Bàn nói riêng và toàn thị xã Ninh Hòa nói chung phát triển khá hơn. Đặc biệt, số hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt qua từng năm phấn đấu”.

Nhân kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn (20/4/1953 – 20/4/2024), Đảng bộ và nhân dân thị xã Ninh Hòa tri ân sự hy sinh của Anh hùng, Liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ độc lập, tự do, mang lại bình yên cho địa phương và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO