Mèn mén (hay còn gọi là bột ngô hấp) là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở vùng miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai... Món ăn này được chế biến độc đáo, kỳ công, trở thành món đặc sản không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Mèn mén cũng từng được bình chọn là một trong 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020 – 2021).
Mèn mén là thức ăn truyền thống đã nuôi sống, gắn bó với bao thế hệ của đồng bào dân tộc Mông. Món ăn không chỉ thể hiện sự sáng tạo trong chế biến, nó còn thể hiện rõ nét nhất tập quán sinh hoạt, lao động, khu vực sinh sống của đồng bào dân tộc Mông từ lâu đời.
Từ xa xưa, người Mông thường có thói quen sống trên các dãy núi cao. Lối canh tác của họ gắn với nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác... Thói quen sống và lối canh tác đó đã tạo rất nhiều nét văn hoá đặc sắc như một điều bí ẩn, thu hút sự tò mò, hiếu kỳ muốn được khám phá khi ai đó được nghe và nhắc đến. Cũng chính sự nhọc nhằn để có được những bắp ngô vàng ươm đó, người Mông đã nâng niu, trân trọng từng hạt ngô và chế biến ra món mèn mén - món ăn chính nuôi nấng người Mông bao đời.
Làm mèn mén không phức tạp nhưng cũng trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi kinh nghiệm nhất định. Đầu tiên là việc chọn ngô. Ngô được tách hạt sau đó nhặt bỏ hạt sâu, mốc, chỉ giữ lại những hạt tròn và mẩy nhất, sau đó mang đi xay. Xay bột xong, sàng sảy cho sạch mày ngô, rồi đổ bột ngô ra nia để trộn cùng một chút nước.
Người ta phải tính toán lượng nước sao cho vừa đủ để bột không bị khô hay ướt quá, làm sao để bột ngô hòa vào nước không bị vón cục, không nát quá, vừa đủ độ dẻo, độ sánh. Bột khô quá sẽ khó hấp chín hoặc ngoài chín trong sống, bột vón thì ăn bị nát và nhạt. Đây là công đoạn quan trọng, người chế biến phải tính toán cho lượng nước vừa đủ để bột ngô không bị khô hoặc bị nhão làm ảnh hưởng đến chất lượng và hương vị của món ăn.
Mèn mén phải hấp hai lần riêng biệt mới đúng quy cách. Nồi hấp là một chiếc chảo lớn chứa nước, ở giữa là một cái nồi cao, bột ngô sau khi được trộn với nước sẽ được đặt trong nồi hấp như là đồ xôi. Lửa được đun bằng củi hoặc than nhưng không được đun lửa quá to.
Thời gian hấp chín mèn mén tùy thuộc vào từng loại ngô. Ngô non thì chỉ khi nước trong chảo sôi, hơi bốc lên một lúc là chín, còn nếu bột ngô già (hạt vàng ruộm, cứng) thì phải lâu hơn khoảng 10 phút nữa.
Sau khi hấp xong lần một, bột được đổ ra mẹt, khi bớt nóng sẽ được vò tơi để không vón cục. Hấp lần một chưa thể làm cho bột ngô chín hẳn, nhiều chỗ còn khô nên cần cho thêm một ít nước vào rồi đảo tiếp. Khi nào bột tơi hoàn toàn, có mùi thơm nhẹ thì tiếp tục cho bột ngô vào hấp lần hai.
Lần hai được hấp giống như lần một, nhưng cần để lửa nhỏ hơn vì để lửa to dễ làm mất hương vị của ngô. Khi thấy mùi thơm bốc ra, kiểm tra thấy bột ngô đã dẻo, mềm thì bắc ra ủ khoảng 30 phút rồi mới đem ra dùng. Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngọt của ngô.
Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như canh đậu hũ, canh rau cải... để tạo hương vị thơm ngon, đậm đà.
Trước kia mèn mén chỉ có thành phần là bột ngô, cuộc sống ngày càng hiện đại, ngày nay ở một số khu vực đồng bào dân tộc Mông khi chế biến mèn mén sẽ độn thêm gạo nếp để tăng hương vị cho món ăn.
Ngày nay, cuộc sống của người Mông đã đủ đầy hơn, nhưng món mèn mén vẫn giữ vai trò chủ đạo trong bữa ăn hằng ngày, cho dù nhiều gia đình có điều kiện. Bởi, dù là món ăn nhưng mèn mén đã ngấm vào máu thịt, nuôi dưỡng bao thế hệ đồng bào Mông. Và nó cũng là món ăn không thể thiếu được trong các ngày lễ, ngày tết.