Từ xa xưa, khi nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay đến cây đa, bến nước, sân đình-những hình ảnh đặc trưng làm nên biểu tượng của làng quê. Và không quá khi nói rằng, đình làng chính là hồn cốt của làng quê Việt Nam, bởi đó không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là “sợi dây” gắn bó cộng đồng. Với cư dân các làng biển ở Quảng Bình, đình làng trở thành chốn thiêng liêng, gắn bó với đời sống, đặc trưng nghề nghiệp mà dù đi đâu xa họ vẫn luôn hướng về.
Đến đây, mọi người không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan của một làng biển trù phú mà còn được trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, trong đó có đình thờ Tổ, nơi thờ các vị khai khẩn vùng đất này và diễn ra các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của địa phương, như: Lễ hội cầu ngư, rước lửa, đua thuyền… Dù qua nhiều lần trùng tu, nhưng đình làng vẫn giữ được một số hiện vật quý giá, như: Quả chuông lớn mang tên “Cảnh viện hồng chung” đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801, hai tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng.
Theo hương phả làng Cảnh Dương, đình ở giữa làng, có diện tích khoảng 3 mẫu, ban đầu được xây dựng bằng tranh tre, nhưng qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình làng dần dần có được một quần thể di tích với các công trình xây dựng kiên cố tương đối hoàn chỉnh (tính đến trước chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, 1965) bao gồm: Đình Lớn, đình Tổ, đình Thánh, đình Đụn và đình Quan cư.
Có thể nói, đình làng Cảnh Dương là một quần thể kiến trúc-phong thủy độc đáo, riêng có, phản ánh bề dày tư duy trí tuệ, tư duy hệ thống, lịch sử, văn hóa của con người nơi đây. Tiếc rằng, qua nhiều biến cố, thăng trầm của chiến tranh và thời gian, đình Thánh, đình Đụn và đình Quan cư đã không còn nữa. Sau năm 1975, đình Tổ được sáp nhập với đình Lớn và lấy tên là đình thờ Tổ ngày nay...
Gìn giữ cho muôn đời sau
Là kết tinh của biết bao mồ hôi, công sức, tài hoa của cư dân làng biển và cũng là hiện thân của tinh thần đoàn kết cộng đồng, đình làng ở các địa phương vùng biển Quảng Bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân địa phương, là một phần hồn cốt không thể thiếu của làng quê. Để những giá trị ấy có thể trường tồn với thời gian, công tác trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và bảo vệ đình làng luôn được các địa phương chú trọng thực hiện.
Trong số các đình làng biển trên địa bàn tỉnh, đình Lý Hòa có bề dày lịch sử lâu đời. Đình là công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc cổ truyền dân gian, là hiện thân của bản sắc văn hóa làng quê Việt Nam cùng với biết bao giá trị văn hóa đáng được bảo tồn. “Có giai đoạn đình bị xuống cấp, hư hỏng nhiều hạng mục. Nhưng bằng tình yêu, sự tâm huyết, các thế hệ người dân Lý Hòa đã chung sức trùng tu, tôn tạo và bảo tồn những giá trị vốn có của đình làng, để dù trải qua bao thăng trầm, biến cố, đình vẫn trường tồn thách thức thời gian, trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, UBND xã giao cho Ban Tâm linh địa phương trông coi đình làng. Chúng tôi rất yên tâm với tinh thần trách nhiệm của ban tâm linh và ý thức của bà con địa phương trong việc giữ gìn, bảo vệ đình làng, bởi với họ, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà đó còn là sự gắn bó, tình yêu, niềm tự hào về quê hương, nguồn cội”, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú Nguyễn Xuân Tuyển chia sẻ.
Không có “tuổi đời” lâu như đình làng ở Lý Hòa, Cảnh Dương, đình làng Nhân Trạch được xây dựng từ năm 2009. Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch (Bố Trạch) Nguyễn Văn Nghị cho biết: Thời xưa, địa phương cũng có đình làng, nhưng chiến tranh đã phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền đất. Sau này, xuất phát từ mong muốn về một nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng, chính quyền địa phương đã lập đề án xây dựng đình và khi có nguồn tài trợ, xã hiện thực hóa mong muốn ấy của bà con.
Đến nay, sau gần 15 năm xây dựng, đình làng thực sự gắn bó với biết bao thế hệ người dân quê hương. Vào các ngày lễ, Tết, dân làng cùng nhau tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành hoàng làng và thủy tổ các họ tộc phù hộ, ban phúc lành cho mọi nhà. Các lễ hội được tổ chức ở đình làng, như lễ cầu yên, lễ tất niên có sức cộng cảm rất lớn, góp phần đánh thức truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động bà con quyên góp đầu tư tu sửa lại một số hạng mục đã xuống cấp của đình làng. Tin rằng, với sự chung sức của mọi người, đình làng Nhân Trạch sẽ mãi là chốn thiêng, trường tồn cùng năm tháng”, ông Nghị cho hay.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Đình Hà, không gian văn hóa đình làng biển có nét riêng, thường tọa lạc dựa vào thế sơn thủy hữu tình, ở đó không chỉ mang lại vẻ đẹp cho làng, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, mà còn ứng với thuật phong thủy để tạo vượng khí cho làng. Đa phần kiến trúc các đình làng biển chịu ảnh hưởng của kiến trúc cung đình nhà Nguyễn; họa tiết, hoa văn trên các khung gỗ gần gũi với dân gian, có sự đan xen giữa văn hóa của cư dân vùng biển và cư dân nông nghiệp… |