Đời sống xã hội

Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Lê Hoàng 30/05/2024 - 07:04

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành Huỳnh Văn Thức cho biết, những năm qua, địa phương tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất - kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp, ngành còn khơi dậy ý thức vươn lên của người dân, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Nhiều hộ nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các hội, đoàn thể địa phương phát huy tốt vai trò trong việc định hướng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Hàng năm, các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương tiến hành rà soát số lượng, nắm hoàn cảnh của các hộ nghèo và cận nghèo, để xây dựng kế hoạch giúp đỡ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng thời, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Hỗ trợ bò giống thực hiện mô hình sinh kế giảm nghèo

Cùng với hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ thoát nghèo, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Với số tiền 10 triệu đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, chị Nguyễn Thị Duy Xương (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh An) đầu tư chuồng trại để mở rộng việc nuôi dê, cải thiện kinh tế gia đình.

“Nhận thấy việc nuôi dê không tốn nhiều công sức, dê ít bệnh, quay vòng vốn nhanh, chi phí đầu tư thấp, nên vợ chồng tôi đầu tư chuồng trại, con giống để khởi nghiệp. Được chính quyền địa phương giới thiệu vay vốn ưu đãi và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ vốn khởi nghiệp, gia đình tôi sẽ nỗ lực phát triển mô hình này, để cải thiện đời sống, chăm lo con cái ăn học” - chị Xương chia sẻ.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được huyện Châu Thành quan tâm thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả và thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trên địa bàn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành liên quan khảo sát nhu cầu học nghề ở các địa phương và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp để mở những lớp dạy nghề phù hợp lao động nông thôn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật ủ rơm làm thức ăn cho bò cùng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Mai Tùng (ngụ ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng) đã đầu tư chuồng trại kiên cố để nuôi bò vỗ béo. “Nhờ ủ rơm kết hợp với tự cắt cỏ tươi cho bò ăn, giúp gia đình tôi giảm đáng kể chi phí mua thức ăn. Nhờ đó, đàn bò ngày càng phát triển về số lượng, cuộc sống gia đình cải thiện hơn trước” - anh Mai Tùng chia sẻ.

Ông Hồ Hữu Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo quy định, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai đến người dân, nhất là hộ nghèo, mới thoát nghèo, cận nghèo về các chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, để họ hiểu, đồng tình tham gia.

Bên cạnh đó, duy trì, nhân rộng mô hình thoát nghèo bền vững, hiệu quả; quan tâm công tác hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ sinh kế.

Ngoài ra, triển khai sâu rộng phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm cổ vũ, động viên và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và Nhân dân về công tác giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO