Đời sống

Làng miến Húc Động những ngày nắng đông

Nguyễn Quý 06/01/2024 - 10:22

Bình Liêu (Quảng Ninh) những ngày cuối năm, nhiệt độ ở vùng núi có lúc xuống dưới 2 độ C, nhưng bù lại ban ngày hầu như hôm nào cũng có nắng. Phải có nắng, người Sán Chỉ ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) mới mang củ dong ra làm miến.

Từ làng miến thủ công…

a1-10-.jpg
Phải chờ hôm có nắng, người Sán Chỉ ở Húc Động mới thực hiện các quy trình làm miến. Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ thị trấn Bình Liêu, đi theo con đường liên xã trải nhựa êm ru, khoảng 15km thì tới xã Húc Động. Cũng nhờ con đường này, Húc Động giờ đây không còn là những ngôi làng người Sán Chỉ hẻo lánh nữa.

Trước đây, ngày hội hát Soóng cọ được tổ chức hàng năm theo quy mô xã, nhưng nay nó được xâu chuỗi trong các hoạt động chung làm nổi bật màu sắc văn hóa riêng biệt, đa dạng thống nhất của Bình Liêu. Du khách đến Húc Động giờ đây không chỉ ngắm thác Khe Vằn, cắm trại săn mây trên núi Cao Ly, ngắm đồi Tình bạt ngàn sim tím trải dài trên vùng đất của xã Húc Động (huyện Bình Liêu) và xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), mà còn thăm nhà dân, hòa chung với lối sống, phong tục của bà con người Sán Chỉ.

Và đặc biệt, vào những tháng cuối năm, khách đến Húc Động còn được xem làng nghề truyền thống, nơi khởi thủy của sản phẩm nổi tiếng: Miến dong Bình Liêu.

Còn nhớ khoảng chục năm trở về trước, Húc Động chỉ là làng miến thủ công của người Sán Chỉ. Dong riềng (nguyên liệu để làm miến) còn được thái lát phơi trắng trên những tảng đá cuội ven suối, rồi xay, giã, lọc bột dong cũng ngay tại con suối ấy. Vào mùa miến, cả con suối chảy quanh các thôn, bản Nà Khau, Sẹc Khoong, Nà Ếch, Lục Ngù, Sú Kháu, Mó Túc, chỗ nào cũng thấy bóng áo xanh, váy nhung đen của người phụ nữ Sán Chỉ cặm cụi với dong riềng.

Ra lò từ khuôn tráng miến dong nho nhỏ trong trái bếp ấm của các bà, các mẹ ở Húc Động, sau này miến Bình Liêu dần được sản xuất thương mại bởi những cơ sở tráng lớn hơn, hiện đại hơn, với những công nghệ sản xuất tiên tiến. Miến dong Bình Liêu cũng từ đó “đi” bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không đến với các bếp ăn lớn, sang trọng trong và ngoài nước.

Là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Quảng Ninh, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện, miến dong Bình Liêu giờ đây đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.

a2-10-.jpg
Từng mảng bánh miến sau khi tráng được mang phơi nắng....

... Đến làm miến thời “nông dân số”

Chờ đến khi sương tan, ánh mặt trời tỏa xuống thung lũng, công nhân ở các xưởng miến mang phên miến ra phơi. Ruộng lúa ở Húc Động mùa này chỉ còn trơ những gốc rạ, nhường chỗ cho những phên miến phơi đón nắng.

Là một cơ sở sản xuất nhỏ ở Húc Động, nhưng cứ vào mùa miến Tết, sáng nào vợ chồng anh Trần Lùi, chị Trần Thị Ngằn (thôn Mó Túc, xã Húc Động) cũng dậy từ 3h sáng để khởi động máy cắt. Từng mảng phên miến hôm qua được đưa vào máy cắt để cắt miến thành sợi nhỏ. Công đoạn này hoàn thành cũng là lúc mặt trời nhô lên đỉnh núi, hai vợ chồng khênh phên miến ra ruộng phơi. Xong xuôi lúc khoảng 9 giờ, hai vợ chồng lại về nhà rửa rong, xay củ…

Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng trồng tại Bình Liêu cho chất lượng khá tốt, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Để củ dong riềng đảm bảo chất lượng, từ nhiều năm nay, người dân ở đây đều trồng dong riềng theo phương pháp hữu cơ truyền thống. Khi những nương lúa chín vàng thu hoạch xong, cũng là lúc bà con đồng bào các dân tộc huyện vùng cao nơi đây bắt tay vào thu hoạch củ dong riềng - nguyên liệu chính để sản xuất miến.

Củ dong thu hoạch về được rửa sạch, loại bỏ hoàn toàn lớp đất bám rồi mới được chuyển vào máy xay. Bột dong từ máy xay chảy về các thùng, tại đây phải có người đứng nguấy bột để loại bỏ các tạp chất, trước khi bột chảy về thùng lọc. Bột dong khi được đưa lên máy tráng phải đảm bảo tinh khiết, không còn xơ bã, đủ độ dẻo. Bánh dong được xếp lên phên, mang phơi 1 đến 2 nắng rồi lại được mang về xưởng để băm thành sợi nhỏ. Miến sợi sau khi băm lại được mang phơi thêm 1 nắng nữa trước khi đóng gói…

“Làm miến nhờ có máy móc nên người làm đã nhàn đi rất nhiều, chỉ có những cơ sở nhỏ, không thuê hoặc thuê ít nhân công như gia đình tôi thì mới vất vả, chứ các ông chủ lớn vẫn có thời gian đi uống rượu mà”, anh Lùi cười hồn hậu.

Nhưng với những cơ sở làm miến lớn như anh Trần A Chiu, ông chủ của Hợp tác xã Nông lâm và Dịch vụ Húc Động, đây là thời gian bận rộn, vất vả nhất trong năm. Tuy không phải làm trực tiếp như vợ chồng anh Lùi, nhưng anh Chiu bận rộn với cả trăm cuộc điện thoại mỗi ngày, với những đơn đặt hàng, thuê phương tiện vận chuyển… Cán bộ tỉnh mỗi lần về Húc Động thăm, đều gọi anh Chiu là “Nông dân số”.

a3-5-.jpg
Sản phẩm miến dong được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.

“Thời nay làm nông nghiệp đỡ vất vả hơn nhiều nhờ máy móc, công nghệ. Nhưng thường là với những khách hàng mới, tôi vẫn trực tiếp đi theo xe vận chuyển đến tận nơi trả hàng. Như vậy mình thấy yên tâm hơn, cũng là cơ hội nói chuyện thêm với khách, để khách hiểu hơn về sản phẩm của mình”, anh Chiu nói.

Theo anh Chiu, miến dong Bình Liêu không có sắc vàng bóng bẩy, hay màu trắng ngần bắt mắt như ở các nơi khác. Miến dong Bình Liêu gây ấn tượng với màu xanh lục nhạt. Đây cũng là màu sắc thuần khi chế biến nguyên chất củ dong riềng. Màu sắc này đã tạo nên sự khác biệt của miến dong Bình Liêu.

Mùa làm miến Tết của người Sán Chỉ ở Húc Động kéo dài từ tháng 10 Âm lịch đến những ngày áp Tết Nguyên đán. Nếu không phải bận rộn với cơ sở sản xuất miến như anh Lùi, anh Chiu..., người Sán Chỉ ở Húc Động kéo dài mùa rong chơi, lễ hội đến tận tháng 3 Âm lịch. Đây cũng là thời điểm nông nhàn, người Sán Chỉ ở các vùng lân cận, thậm chí từ huyện Tiên Yên vượt núi Thông Châu để về Húc Động tham dự ngày hội hát lớn nhất trong năm: Hội hát Soóng Cọ.

Theo Báo Đại đoàn kết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO