Bản sắc văn hóa

Lâm Đồng: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa thời hội nhập

Diệp Trà 03/10/2023 - 18:37

Tại Lâm Đồng, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang được chính quyền địa phương các cấp, ngành đầu tư phục dựng, bảo tồn, nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa không để mai một trong thời kỳ hội nhập.

Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 24,1% (riêng dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17,6%), đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ lớn là: K'Ho khoảng 12,2%, Châu Mạ khoảng 2,6%, Chu Ru khoảng 1,5%, còn lại là các dân tộc khác chiếm tỷ lệ từ 1 đến dưới 1%. Cơ cấu dân cư rất đa dạng với ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo và sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng... Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của tỉnh, nhất là văn hóa dân gian của người K’Ho, Mạ, Churu, M’Nông.

di-san-van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen.jpg
Cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Lâm Đồng, các DTTS hiện vẫn lưu giữ số di sản văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể đặc sắc như: văn hóa cồng chiêng, trường ca, chuyện kể, sử thi, dân ca, dân vũ, lễ hội mừng lúa mới, lễ xin tuốt lúa, lễ đặt tên cho đứa trẻ mới sinh, lễ cúng các vị thần nông nghiệp; đặc biệt, lễ cúng bến nước là lễ hội tâm linh quan trọng nhất của các tộc người K’Ho, Chu ru…

Đến nay, toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 14 di tích danh lam thắng cảnh và 2 di tích lịch sử cách mạng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh: Di tích Quốc gia đặc biệt Cát Tiên, Di tích lịch sử Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Di tích lịch sử kháng chiến Khu VI… đã được đầu tư tôn tạo, khai thác hoạt động.

Những năm qua, ngành VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động phong phú, nhằm giáo dục ý thức của cộng đồng các DTTS trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Hàng năm, Sở VHTTDL tổ chức Lễ hội văn hóa cồng chiêng toàn tỉnh (nay là “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào DTTS”).

Tỉnh còn đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào DTTS như: nghề đúc nhẫn bạc và làm gốm của người Churu, (huyện Đơn Dương), đan lát, làm rượu cần, nghề dệt thổ cẩm... Đến nay, có 33 làng nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, tạo việc làm ổn định cho đồng bào DTTS địa phương.

van-hoa-cong-chieng-tay-nguyen2.jpg
Truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ

Song song đó, địa phương còn chú trọng tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã, huyện có đông người K’Ho, Mạ, Chu ru sinh sống. Qua việc truyền dạy tận tình, đã tổ chức hơn 100 lớp dạy cồng chiêng, thu hút gần 2.000 nam, nữ thanh, thiếu niên các DTTS tham gia. Hiện, toàn tỉnh có hơn 100 đội, nhóm cồng, chiêng hoạt động; có 5 đội nhóm chiêng phục vụ du lịch tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Huoai, Đơn Dương…

Được biết, trong các loại hình văn hóa phi vật thể tại Lâm Đồng, cồng chiêng mang đậm nét văn hóa của các dân tộc vùng Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Đó là tiếng nói tâm linh gắn với đời sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của người dân Tây Nguyên.

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao.

Qua thời gian triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn 2020”; những giá trị văn hóa cồng chiêng đã được gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Sau đó, Đề án "Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn đến năm 2035"… được triển khai, nhằm tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Cùng với đó, ngành Văn hóa Lâm Đồng đã tiến hành điều tra, thống kê kết hợp với công tác tuyên truyền không để cồng chiêng thất thoát về số lượng, đồng thời nâng cao nhận thức trong gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa Lâm Đồng, trong thời gian tới cùng với việc nâng cao lòng tự hào, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng của mỗi người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ giá trị các loại hình văn hóa dân gian truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO