Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch, người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở thôn Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) đã thành lập ra câu lạc bộ (CLB) “Sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch” thu hút đông đảo thành viên tham gia.
Giữ gìn văn hóa qua việc thành lập CLB
Từ thành phố Kon Tum, men theo tỉnh lộ 675, chúng tôi tìm về xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy để tìm hiểu về việc bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc Hà Lăng.
Theo thống kê, xã Rờ Kơi có hơn 95% là dân tộc Hà Lăng. Người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Chính vì thế, người dân thôn Đăk Đe rất mong muốn thành lập một CLB để đồng bào có điều kiện, gặp gỡ giao lưu văn hóa, từ đó lưu giữ, truyền lại những nét đẹp văn hóa cho thế hệ sau.
Đáp ứng ý nguyện của người dân, vào tháng 12/2021, Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao-Du lịch) đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao-Du lịch tỉnh Kon Tum và UBND huyện Sa Thầy lựa chọn thôn Đăk Đe để thành lập CLB “Sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch”.
Sau gần hai năm đi vào hoạt động, đến nay CLB đã có 42 thành viên là đồng bào Hà Lăng đang sinh sống tại thôn Đăk Đe tham gia sinh hoạt và cũng là những người rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa dân tộc mình.
Trao đổi với phóng viên, Nghệ nhân A Thiu - Chủ nhiệm CLB “Sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch” - cho biết, việc được các ngành chức năng quan tâm, cho phép thành lập CLB đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Do vậy, các thành viên trong CLB ai cũng đều rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi, sưu tầm, luyện tập tập cồng chiêng, điệu múa để lưu truyền. Nhiều tiết mục đã được các thành viên trong CLB nghiên cứu, sáng tạo phù hợp và biến tấu, đổi mới sao cho ấn tượng, phong phú, hấp dẫn trên cơ sở vẫn duy trì được nét đẹp văn hóa, truyền thống của dân tộc.
Theo Nghệ nhân A Thiu, cứ định kỳ 1 tháng 1 lần, các thành viên trong CLB lại tập luyện tại nhà rông thôn Đăk Đe. Tại đây, các thành viên là chị em phụ nữ được truyền dạy các điệu múa xoang, múa chiêu truyền thống, hướng dẫn cách di chuyển, kết hợp tay theo giai điệu cồng chiêng. Những người đàn ông sẽ được hướng dẫn cách đánh cồng chiêng, cách đánh đàn, cảm thụ âm thanh của các nhạc cụ dân tộc.
“Các nghệ nhân đánh chiêng, múa xoang, múa chiêu, chơi đàn, hát giao duyên,… mỗi người một thế mạnh khác nhau nhưng cùng chung tâm huyết bảo tồn văn hóa, những giá trị tốt đẹp của đồng bào Hà Lăng. Đồng thời, các nghệ nhân tích cực truyền dạy truyền thống cho thế hệ sau. Bên cạnh việc tìm hiểu, có ý thức giữ gìn bản sắc truyền thống, CLB cũng là nơi để các thành viên gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ với nhau về đời sống cũng như những buồn vui trong công việc, gia đình”, nghệ nhân A Thiu nói.
Không để văn hóa mai một
Thành viên CLB “Sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch” của người Hà Lăng ở thôn Đăk Đe rất đa dạng về độ tuổi. Trẻ nhất là các em 15 tuổi hiện đang là học sinh trung học phổ thông và lớn tuổi nhất là các cụ ngoài 70 tuổi.
Đặc biệt, có các gia đình gồm 5 người ở ba thế hệ đều là thành viên trong CLB, cùng nhau truyền dạy, lưu giữ văn hoá trong và ngoài gia đình. Đây là điều rất đáng quý, bởi chính từ những gia đình, những hạt nhân của CLB đã góp phần truyền lửa, tạo sức lan tỏa cho nhiều thế hệ.
Là một trong những nghệ nhân trẻ của CLB, chị Y Toèn (SN 1995 trú tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) chia sẻ, từ khi tham gia CLB chị luôn chăm chỉ học tập các điệu múa xoang, múa chiêu truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra chị còn kết nối, kêu gọi bạn bè gia đình cùng gia nhập CLB. Với chị, không có hình thức gìn giữ nào lâu bền hơn việc tự mình trải nghiệm, phải học để hiểu văn hóa dân tộc, sau này chỉ dạy lại cho con cháu nhằm lưu truyền, phát huy giá trị, không để mai một.
“Khi tham gia CLB, ngoài điệu múa xoang, múa chiêu, tôi còn được các ông bà, các bác dạy cho học hỏi thêm kỹ thuật đánh chiêng, hòa thanh và hòa âm sao cho nhịp nhàng. Tôi thấy rằng việc thành lập CLB như thế này là hết sức cần thiết, giúp kết nối bà con đến gần nhau hơn, cùng nhau chỉ dạy, học hỏi và cùng nhau giữ gìn. Nếu bản thân mình không học thì mai này thế hệ con cháu không còn được nghe tiếng cồng chiêng, không biết múa xoang, múa chiêu là gì nữa, chắc chắn văn hóa của dân tộc mình sẽ mai một đi”, chị Toèn bộc bạch.
Còn anh A Viêu - Thành viên CLB cho biết, sau những ngày lao động vất vả, vào những ngày cuối tuần anh lại tìm đến CLB để cùng tập luyện cồng chiêng, múa xoang. Đồng thời, gặp gỡ mọi người trong thôn cùng nhau trò chuyện, hỏi thăm nhau nhằm gắng kết bà con, buông làng lại với nhau.
“Ngày trước, bà con không có nơi vui chơi, sinh hoạt nên lúc nông nhàn thường hay tụ tập nhậu nhẹt, cờ bạc, nhất là nam giới. Nhưng từ khi có CLB này, những tệ nạn đó đã giảm nhiều. Bởi khi tham gia sinh hoạt CLB, bà con còn được chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cách nuôi dạy con cái, chăm lo phát triển kinh tế gia đình”, anh Viêu nhận thấy.
Không những lưu truyền, phát huy văn hóa mà CLB “Sinh hoạt văn hóa gắn với phát triển du lịch” thôn Đăk Ne còn phối hợp với các trường học trên địa bàn xã Rờ Kơi để truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho hơn 100 học sinh từ lớp 5-9. Ngoài truyền dạy trong trường học, dịp hè vừa qua CLB còn dạy cho hơn 20 thiếu niên tại thôn về kỹ thuật đánh cồng chiêng, múa xoang…
Vào các dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm CLB không chỉ phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của thôn, xã mà còn thường xuyên đi lưu diễn, tham gia Hội thi ở huyện để quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Hà Lăng. Năm 2022, CLB đã đại diện xã Rờ Kơi tham gia Hội thi Cồng chiêng xoang các dân tộc thiểu số huyện Sa Thầy lần thứ nhất và đã đạt giải A nội dung biểu diễn cồng chiêng, xoang; giải C nội dung hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Nhữ Nam - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, hiệu quả hoạt động của CLB đã thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng tại địa phương. Thông qua các buổi sinh hoạt thôn, CLB cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp bà con dân tộc Hà Lăng hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
“Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên và hỗ trợ bà con trên địa bàn tham gia học tập, sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp người dân hình thành ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình, không để văn hóa bị mai một”, ông Nam chia sẻ.