Lạc Sơn quyết tâm phát huy di sản văn hoá Mường

Thanh Tâma| 29/12/2023 15:38

Với quyết tâm giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hoá truyền thống, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường, gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, khai thác văn hoá bản địa để triển khai các mô hình kinh tế-xã hội hiệu quả.

Về miền quê “đẻ đất, đẻ nước”

Lạc Sơn là huyện miền núi phía Nam của tỉnh Hoà Bình, với dân số khoảng 13,8 vạn người, trong đó dân tộc Mường chiếm tới 91%. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, người Mường ở Lạc Sơn có đời sống văn hoá phong phú, giàu bản sắc. Là một trong bốn Mường lớn, huyện đang có 16 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được công nhận. Đi khắp miền quê hương “đẻ đất, đẻ nước” đâu đâu cũng thấy bóng dáng những nếp nhà sàn, tà áo thêu hoa văn, thổ cẩm đặc trưng và đặc biệt không thể không kể đến ẩm thực bếp Mường với những món ăn tinh hoa đất trời được bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị Mường nấu từ những cá sông, gà đồi, lợn bản.

b66cf96f-b6bf-4a2f-aaa6-792ceed7e6c7.jpg
Chị em phụ nữ Mường không chỉ bảo tồn văn hóa mà còn giúp nhau làm kinh tế

Đó là chưa kể những nghi lễ thờ tổ tiên nhắc nhở con cháu uống nước nhớ nguồn, tục ăn cơm mới, ăn Tết Độc lập và quốc khánh 2/9 hay mo Mường, là những truyền thống đậm đà bản sắc riêng biệt của người Mường.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều di sản văn hoá phi vật thể, nghệ thuật, tục lệ truyền thống có nguy cơ mai một. Nhiều thanh niên Mường nhưng không biết tiếng Mường, văn hoá Mường, thậm chí không muốn biết về tập quán cha ông mình.

“Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, quá trình tiếp biến và giao thoa về kinh tế, văn hoá đặc biệt dưới tác động của kinh tế thị trường và sự phát triển mạng Internet hiện nay đã tác động đến các giá trị văn hoá của dân tộc Mường Lạc Sơn.
Sự quan tâm đầu tư cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá chưa tương xứng với bề dày lịch sử và giá trị của di sản văn hoá”, ông Trần Công Lâm, trưởng ban tuyên giáo Huyện uỷ Lạc Sơn cho biết.

Để tiếp tục kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hàng Nghị quyết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường trên địa bàn huyện Lạc Sơn, khẳng định quyết tâm thực hiện các mục tiêu dài hạn về phát triển, bảo tồn văn hoá, gìn giữ những nét đẹp, giá trị tinh hoa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện.

“Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá là một mặt trận”

Trên cơ sở bảo tồn, phát huy bản sắc gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh. Phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu được các cấp chính quyền đặt ra trong mục tiêu hoạt động của mình. Trong đó, các giá trị văn hoá vật thể như di tích lịch sử, văn hoá, đình đền, miếu mạo, nhà sàn, dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, trang phục, vật phẩm, dụng cụ văn hoá… đến giá trị phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, mo Mường, hát thường rang, bộ mẹng, hát vi, tập tục sinh hoạt, sản xuất, lễ hội, tục thờ cúng tổ tiên… đều cần được đầu tư tôn tạo, sưu tầm, lưu trữ.

anh-6-sua.jpg
Mâm cỗ lá đầy màu sắc của người Mường

Với khối lượng công việc và nhiệm vụ đặt ra đồ sộ và nhiều việc phải làm, huyện Lạc Sơn xác định việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc Mường là một mặt trận, yêu cầu cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng tham gia.
Ông Lâm cho biết: “Huyện đặt ra một số giải pháp chủ yếu như phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, tạo điều kiện về nguồn lực và nhận thức để bảo tồn, phát huy văn hoá Mường. Tăng cường thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tư nguồn lực song song thực hiện xã hội hoá công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường. Xây dựng các cơ chế về bảo tồn và phát huy bản sắc Mường thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nòng cốt, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Mường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và chất lượng tuyên truyền, giáo dục…”.

Đặc biệt, tại một số xã của huyện Lạc Sơn đã áp dụng và triển khai thành công mô hình găn bảo tồn văn hoá với phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó các làng, bản Mường, homestay với các mâm cỗ lá đầy mầu sắc, vừa ăn ngon miệng vừa bắt mắt hấp dẫn thị giác, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO