Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và vun đắp nên một kho tàng di sản văn hóa (DSVH) đồ sộ, hết sức phong phú và đa dạng. Kho tàng DSVH ấy là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tuy nhiên, hiện nay việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH chưa thực sự hiệu quả, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn.
Trong các văn kiện cũng như tư liệu Đảng đã khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam chính là bản sắc của dân tộc, là cơ sở để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời là một nguồn lực quan trọng cả về tinh thần và vật chất trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhận thức rõ điều này, Đảng, Nhà nước ta luôn có chủ trương phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội. Sự ra đời của Luật DSVH cùng với các văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng và trực tiếp nhất để tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Hàng vạn DSVH phi vật thể đã được kiểm kê, nhận diện, lập hồ sơ khoa học và nhiều di sản được ghi danh ở trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng,đ ặc biệt là việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn.
Điển hình là công tác bảo vệ và phát huy giá trị DSVH còn nhiều bất cập. Nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình DSVH phi vật thể và sự xuống cấp của các di tích lịch sử vẫn còn ở mức báo động; việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế, hiện tượng thương mại hóa trong lễ hội chưa được ngăn chặn một cách có hiệu quả; sự hạn hẹp về kinh phí để bổ sung hiện vật cho bảo tàng; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng lấn chiếm di tích, danh lam, thắng cảnh; hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ di tích sai nguyên tắc chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời…
Trong khi cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, thì không gian dành cho các loại hình văn hóa truyền thống ngày càng bị thu hẹp hoặc bị thay đổi. Giới trẻ hiện nay số đông không hiểu hết giá trị của các DSVH, mà có xu hướng ưa chuộng những hình thức nghệ thuật mới, hiện đại, ít quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy được các giá trị của DSVH đã có lúc trở thành nguy cơ tiềm ẩn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó việc nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVH còn hạn chế và không đồng đều. Một số địa phương chỉ quan tâm tới việc xây dựng hồ sơ để đưa vào danh mục của quốc gia hoặc quốc tế; thiếu các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững và hội nhập,…; lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị, trong xây dựng, tổng hợp, xử lý thông tin các Báo cáo định kỳ về tình trạng, tình hình bảo vệ và phát huy giá trị di sản sau khi được ghi danh.
Đặc biệt, các giá trị, đặc trưng, đặc điểm, tính chất, nguyên tắc thực hành, hiện trạng thực hành và bảo vệ di sản, các nguy cơ tác động, dẫn tới thực hành sai lệch, mai một và thất truyền di sản chưa được nhận diện, nắm bắt rõ, kịp thời. Kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH phi vật thể còn hạn chế…
Ðể có thể duy trì “sức sống” cho DSVH đang là câu hỏi lớn đặt ra đối với các cấp các ngành. Hiến kế cho vấn đề có tính chất nan giải nhiều năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết cần nâng cao hiệu quả quản lý và nhận thức của cán bộ quản lý đối với các DSVH. Bên cạnh đó cần nhận diện rõ hơn vị trí, vai trò của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp; sự tham gia của các cơ quan báo chí, thông tấn, truyền hình và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân và chủ thể của di sản trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị của DSVH.
Thực tiễn đã chứng minh không ai có thể giữ gìn DSVH tốt hơn, hiệu quả hơn chính chủ nhân của các loại hình DSVH ấy. DSVH không thể đứng ngoài sinh hoạt của cộng đồng dân cư, hoặc đứng ngoài không gian văn hóa của nó. Ðể có thể duy trì “sức sống” cho DSVH không chỉ phải được bảo tồn như nó vốn có, phải được "sống", được tôn vinh, được người dân thừa nhận ngay trong chính đời sống của cộng đồng. Muốn có được điều ấy, chúng ta cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, giáo dục sự hiểu biết các tri thức văn hóa nói chung và di sản văn hóa dân tộc nói riêng, từ đó khơi dậy và nhân lên niềm đam mê, ý thức bảo vệ di sản trong nhân dân nhất là thế hệ trẻ.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH thì ba yếu tố: Kinh phí, chính sách, chuyên gia luôn là ba trụ cột quan trọng và cần thiết. Chính vì vậy Nhà nước cũng cần tiếp tục quan tâm, có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này. Bên cạnh đó Đảng và Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích, động viên các nghệ nhân trong việc gìn giữ, truyền dạy, phát huy giá trị DSVH…