Những năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, nhiều lao động có việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Sơn Tùng-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Qua đào tạo nghề, học viên nắm vững nguyên tắc cơ bản của từng ngành nghề mà mình đăng ký nên hiệu quả mang lại khá rõ rệt, nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định.
Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 6 lớp sơ cấp nghề (2 lớp cắt may trang phục nữ; 1 lớp điện dân dụng; 1 lớp tin học văn phòng; 1 lớp kỹ thuật máy nông nghiệp; 1 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm) cho 154 học viên với tổng kinh phí đào tạo hơn 635 triệu đồng. Năm 2023, từ nguồn vốn sự nghiệp huyện, Trung tâm tiếp tục mở 3 lớp sơ cấp nghề (1 lớp tin học văn phòng, 1 lớp điện dân dụng và 1 lớp kỹ thuật máy nông nghiệp) với 75 học viên.
Cũng trong năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Trung tâm mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 250 học viên, tổng kinh phí hơn 904 triệu đồng. Tất cả các lớp đều được tổ chức vào các buổi tối tại các xã để học viên có thể vừa học, vừa giải quyết việc gia đình.
“Năm 2024, Trung tâm dự kiến mở 6 lớp sơ cấp, chủ yếu là một số ngành nghề như: điện dân dụng, kỹ thuật máy nông nghiệp, nề với khoảng 150 học viên; đồng thời mở 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho khoảng 250 học viên”-ông Tùng thông tin.
Sau 3 tháng theo học lớp đào tạo tin học văn phòng, chị Ksor H'Bi (buôn H'Múk, xã Chư Ngọc) đã sử dụng thành thạo máy vi tính, soạn thảo văn bản phục vụ công việc hàng ngày. Chị là Phó Bí thư Chi bộ buôn H'Múk. Trước đây, khi làm báo cáo, do không biết về vi tính nên chị thường phải viết tay. Nhiều hôm, chị phải nhờ người khác đánh máy rất bất tiện.
Đầu tháng 4-2023, khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp tin học văn phòng, chị đã đăng ký học. “Qua khóa học, mình biết thêm nhiều kiến thức, biết soạn thảo văn bản và kỹ năng xử lý máy tính khi có sự cố”-chị H'Bi chia sẻ.
Sau khi học xong lớp cắt may cơ bản, chị Ksor H'Hới (buôn Blang, xã Chư Ngọc) đã tìm được việc làm tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. “Nhờ được học nghề nên khi vào công ty không cần phải đào tạo lại. Công việc cũng ổn định, thu nhập 8-10 triệu đồng”-chị H'Hới bày tỏ.
Còn anh Ksor Honh (buôn Thành Công, xã Chư Drăng) thì cho hay: “Trước đây, mình trồng lúa ít bỏ phân, thường gieo sạ dày nên năng suất chỉ thu được 3-4 tấn/ha/vụ, còn 1 ha mì chỉ thu được khoảng 15 tấn. Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng lúa, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng tăng lên, lúa đạt 6-7 tấn/ha/vụ, mì đạt 25-30 tấn/ha”.
Theo thông tin từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, trong năm 2023, toàn huyện có 1.450 lao động được giải quyết việc làm mới (350 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng; 470 lao động được giải quyết việc làm thông qua chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm tại địa phương, 60 lao động thông qua hình thức xuất khẩu lao động, 200 lao động tự tạo việc làm qua học nghề và các hình thức khác là 370 lao động).
Ông Đinh Văn Đức-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Từ nguồn ngân sách huyện và các chương trình mục tiêu quốc gia, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Năm 2024, huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 1.300 lao động; khoảng 500 lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 42,2%.