Những năm qua, với những cách làm mới, quyết liệt đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhân dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đạt được nhiều kết quả tích cực trong các lĩnh vực. Kinh tế từng bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Đảng bộ huyện còn phấn đấu xây dựng Thuận Châu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Kinh tế là mũi nhọn
Những ngày đầu xuân mới 2024, không khí làm việc, lao động tại các địa phương trong huyện rất khẩn trương, hăng hái. Cùng với hoạt động vui xuân, tham gia các lễ hội truyền thống thì bà con các xã tại các bản, thôn làng tích cực sản xuất, không quên nhiệm vụ trên những cánh đồng, trang trại sản xuất…
Tại xã Phổng Lái, với mục tiêu Đảng bộ xã đề ra vào năm 2025 xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đã tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp, nâng cao hệ số sử dụng đất, hiệu quả sản xuất, khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển sản phẩm chủ lực. Đề ra phương châm không để đất ngừng nghỉ, bà con trong xã đã tích cực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững, đặc biệt là giữ vững và phát triển thương hiệu chè Phổng Lái.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phổng Lái Lầu A Thào cho biết: Xã khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tạo việc làm cho người dân trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, xã đạt 10/17 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Thực hiện chủ trương của Huyện ủy Thuận Châu, nhìn chung, các xã trong huyện đều khai thác lợi thế từng vùng, từng nơi, gắn hoạt động sản xuất với gìn giữ bảo vệ môi trường, kết hợp khai thác hoạt động du lịch. Đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, bà Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, tự hào: Các thành viên HTX đã chăm sóc 13 ha thanh long ruột đỏ trồng theo quy trình VietGAP đã được cấp mã số vùng trồng; sản lượng đạt trên 200 tấn quả. Năm 2013, thanh long được mùa, được giá, giá bán bình quân từ 17.000-22.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân thành viên đạt 120-150 triệu đồng/năm.
Một trong những vùng sản xuất tiêu biểu của huyện là xã Mường Khiêng. Tại hợp tác xã bản Bon, ông Quàng Văn Vóng, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có 15 thành viên, sản xuất hơn 65 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài Đài Loan. Trong đó, 47,7 ha được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng vụ xoài năm 2023 đạt 300 tấn quả. Trong đó, đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 250 tấn.
Năm vừa qua, toàn xã Mường Khiêng có 4 HTX trồng cây ăn quả trên đất dốc, chủ yếu là xoài và nhãn, quy mô sản xuất trên 380 ha cây ăn quả các loại, 1 HTX nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, với 80 lồng cá. Việc tham gia HTX đã làm thay đổi tư duy sản xuất của thành viên và nông dân xã, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 36,9% năm 2023.
Đánh giá về kết quả sản xuất năm 2023, ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Châu cho biết: Đến hết năm 2023, huyện có 4.289 ha cây ăn quả các loại, sản lượng gần 20.000 tấn. Có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, DuBai, Nhật Bản. Vùng nguyên liệu sản xuất được hình thành với hơn 22 ha dứa, 86 ha chanh leo, 5 ha rau chân vịt cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La. Duy trì và phát triển 27 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 400 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Lĩnh vực chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô trang trại, với trên 156.900 gia súc, 711.000 con gia cầm các loại...
Lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo
Đón xuân mới 2024, bà con nhân dân trong huyện đều phấn khởi, vui mừng trước những cố gắng trong cả năm đều được hiện hữu trong những “hình hài” cụ thể. Cùng với những giá trị đo bằng kinh tế là những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây dựng, đã làm người dân thấy hồ hởi, phấn khởi. Bà Lường Thị Ngọ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thuận Châu cho biết: Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước, Mặt trận đã kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài huyện hỗ trợ, cùng nhân dân tại các xã, thị trấn giúp ngày công, vật liệu hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Trong năm 2023, đã hỗ trợ 280 hộ xây dựng mới và 50 hộ sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí hơn 10,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những tuyến đường mới mọc lên làm thay đổi diện mạo nông thôn. 100% các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã đã được cứng hóa; 276/355 đường nội bản được đổ bê tông. Trụ sở làm việc, trạm y tế và trường học đều được đầu tư xây dựng khang trang. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,04%; hộ cận nghèo khoảng 13,2%. Có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 43/83 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Trong năm 2024, huyện Thuận Châu xác định tiếp tục tập trung phát triển kinh tế ổn định, bền vững; trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2023 sẽ thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tiếp tục huy động tối đa và khai thác hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đưa huyện thoát nghèo vào năm 2025.
Cụ thể, phấn đấu diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 12.250 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 46.985 tấn. Trồng mới 20 ha chè, 100 ha cây ăn quả các loại, 100 ha cây mắc ca. Tổng sản lượng chè búp tươi đạt 13.700 tấn, cà phê nhân 5.700 tấn, các loại quả 22.000 tấn; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.000 tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt 1.300 tấn... Giá trị hàng hóa xuất khẩu là 300 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 7% trở lên so với năm 2023. Duy trì 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 9,2 tiêu chí/xã. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 76%.
Bí thư Huyện ủy Thuận Châu Nguyễn Đắc Lực cho biết: Huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án giảm nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách huyện; vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ cho hộ nghèo, ưu tiên hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất cho hộ nghèo.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, huyện Thuận Châu đã đạt được những kết quả rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đưa huyện sớm thoát nghèo vào năm 2025, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.