Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, Đảng ủy, UBND, các đoàn thể xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã được cải thiện đáng kể, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.
Xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với 234 hộ, hơn 1.940 nhân khẩu. Thời gian qua, UBND xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc Khmer theo chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (chương trình).
Đến nay, hầu hết các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã Thanh Tùng đã được hỗ trợ đất ở, nhà ở, vốn phát triển sản xuất, điện, nước sinh hoạt… Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Khmer xã Thanh Tùng luôn có ý chí phấn đấu trong lao động, sản xuất, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, đời sống đồng bào dân tộc Khmer từng bước được nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, lòng tin của bà con đối với sự lãnh đạo Đảng, quản lý của Nhà nước được củng cố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Gia đình chị Thạch Thị Hường, ngụ ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi là hộ dân tộc Khmer. Trước đây, gia đình chị thuộc diện nghèo, được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn thực hiện mô hình nuôi heo từ dự án đa dạng sinh kế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất, cùng với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, cuộc sống gia đình chị ngày càng khấm khá hơn. Năm 2023, chị đã chủ động xin thoát nghèo. Chị Hường cho biết: “Bản thân và gia đình luôn có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ, ỉ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ được hỗ trợ, hướng dẫn của địa phương, tôi làm chuồng chăn nuôi heo, gà để phát triển kinh tế gia đình. Trước nhà, tôi còn mở quầy mua bán nhỏ, mỗi tháng cho thu nhập hơn 2 triệu đồng. Mặc dù, không nhiều nhưng có thêm đồng vô đồng ra, trang trải cuộc sống, kinh tế gia đình được cải thiện. Vừa qua, tôi đã làm đơn xin thoát nghèo gửi chính quyền địa phương, với mong muốn dành phần hỗ trợ của Nhà nước lại cho những gia đình có hoàn cảnh khó hơn mình”.
Gia đình anh Lý Văn Quẹo, ngụ ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, là một trong những điển hình tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer về vượt khó, thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Xuất phát từ hộ khó khăn, nhưng nhờ siêng năng, chịu khó lao động, sản xuất của 2 vợ chồng, đến nay đời sống gia đình anh đã ổn định, kinh tế phát triển. Anh Quẹo cho biết: “Chỉ với 4 công đất được cha mẹ cho khi mới ra riêng, lúc đầu vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Nhưng với ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tôi đã thực hiện hiệu quả mô hình nuôi tôm - cua kết hợp. Ngoài ra, tôi còn nuôi thêm sò huyết và tận dụng bờ vuông, sân vườn quanh nhà để trồng rau màu, cây ăn trái. Thời gian rảnh, vợ tôi còn nấu ăn, phục vụ đám để có thêm thu nhập. Thời điểm cuối năm, tôi trồng khoảng 300 dây dưa hấu để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Bình quân hàng năm, các mô hình sản xuất đem về thu nhập cho gia đình tôi khoảng 200 triệu đồng, tạo điều kiện để các con được học hành đầy đủ”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi Lê Thế Anh cho biết: “Địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND xã còn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của bà con; quan tâm thăm hỏi, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, được bà con đồng tình, ủng hộ và đồng lòng thực hiện.
Từ khi triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đến nay, xã đã hỗ trợ nhà ở cho 10 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho 04 hộ, hỗ trợ xây dựng 05 dự án sản xuất, với tổng số hơn 70 hộ nghèo được hỗ trợ, trong đó có 32 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Cuối năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 32/98 hộ, có 11 hộ đồng bào Khmer. Trong 11 hộ dân tộc Khmer thoát nghèo thì có 6 hộ chủ động làm đơn xin thoát nghèo. Có thể nói, việc triển khai thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã thật sự mang lại hiệu quả trên địa bàn xã, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer Thanh Tùng ngày càng khởi sắc”.