Văn hóa

Khơi dậy tiềm năng văn hóa truyền thống để phát triển du lịch ở Noong Luống

Quỳnh Vy- Ảnh Nguyễn Nam 16/05/2024 - 17:34

Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Thái đen tại bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, (tỉnh Điện Biên) là nét văn hóa đặc trưng độc đáo từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và con người, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên.

15-5-1-dien-bien.png
Nghi lễ đầu tiên trong lễ cầu mưa là đoàn người xin nước sẽ đến từng nhà đã được lựa chọn làm “Chủ mưa – chảu phồn”

Lễ hội được coi là trọng đại nhất trong năm của người Thái đen, thường được tổ chức vào tháng 4 (tháng 3 âm lịch hoặc tháng 10 lịch Thái). Thời điểm này, khí hậu vùng Mường Thanh nắng nóng, khô hạn bởi gió Lào, cũng là lúc người dân còn nhàn rỗi, là thời điểm thích hợp để người Thái tổ chức các lễ hội như: Xên bản, Xên mường, Xên pang và lễ hội cầu mưa…

Lễ hội cầu mưa là nghi lễ không thể thiếu trước mỗi mùa vụ mới của người Thái đen bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Lễ hội được tổ chức để cầu xin thần linh cho mưa xuống để người dân có nước canh tác vụ mùa tới, cá tôm đầy ao hồ, sông suối, vạn vật sinh sôi, cuộc sống của con người an lành, mạnh khỏe, no ấm.

Trong lễ hội cầu mưa, con người không chỉ cầu xin các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mà còn thông qua các yếu tố tâm linh để khuyên răn, nhắc nhở về bổn phận và trách nhiệm của mỗi người bảo vệ môi trường.

15-5-2-dien-bien.png
Đoàn xin nước tại nhà “Chủ mưa – chảu phồn”

Từ nhiều năm qua, lễ hội cầu mưa của người Thái đen ở Bản Liếng, xã Noong Luống vùng lòng chảo Mường Thanh, huyện Điện Biên đã được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, từng bước xây dựng sản phẩm hấp dẫn góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, mới đây, tại bản Liếng, xã Noong Luống, UBND huyện Điện Biên đã tổ chức tái hiện lễ hội cầu mưa dân tộc Thái đen. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ thêm yêu quê hương đất nước, tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Thông qua lễ hội, đồng bào dân tộc Thái đen và các dân tộc khác trên địa bàn có dịp giao lưu học hỏi, trao đổi về kinh nghiệm sản xuất phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng.

15-5-3-dien-bien.png
“Chủ mưa – chảu phồn” ban vật phẩm cho đoàn xin nước

Nghi lễ đầu tiên trong lễ cầu mưa là đoàn người xin nước sẽ đến từng nhà đã được lựa chọn làm “Chủ mưa – chảu phồn” đến xin nước. Người dẫn đầu “Me tổn pụt” là một người phụ nữ mặc trang phục truyền thống, đeo ếp bên hông. Phía sau là các chị em phụ nữ, mặc mặc áo cóm, đầu đội khăn piêu, váy, đeo dây xà tích, đeo ếp hoặc túi thổ cẩm bên hông. Nối sau các chị em phụ nữ là những người đàn ông trong tran phục áo chàm truyền thống, quần màu đen, đầu cuốn vải chàm đen mỏ rìu, đeo sọt bên hông.

Tiếp đó, “Chủ mưa – chảu phồn” sẽ đứng ở trên sàn nhà, té nước xuống đoàn xin nước, với ý nghĩa ban cho nước mưa. Những người đàn ông trong đoàn giơ những cái sọt lên cao hơn đầu một chút để đựng những hạt mưa.

Kết thúc phần nghi lễ cầu mưa, khi ông Then đã đồng ý cho mưa xuống, thì phần nước cúng đó sẽ được phẩy vào người đang tham gia coi như là lộc trời ban xuống đã linh nghiệm.

15-5-4-dien-bien.png
“Chủ mưa – chảu phồn” té nước xuống với ý nghĩa ban cho mưa, cầu may mắn

Sau đó mọi người trong bản cùng những vị khách sẽ chính thức bước vào phần hội. Ở phần hội mọi người hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng trong vòng Xòe đoàn kết.

Mọi người trong bản cùng nhau hát đối đáp giao duyên, hát chúc mừng nhau bằng những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Thái, hát nhớ ơn Đảng, Bác Hồ, nhớ ơn công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc để đem lại hòa bình ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, tó má lẹ, bắn nỏ, đẩy gậy, đập mõ trâu, đi cà kheo....đây đều là những trò chơi tuy đơn giản nhưng giúp cộng đồng gắn kết khăng khít cùng nhau xây dựng bản làng.

15-5-5-dien-bien.png
Mọi người hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng trong vòng Xòe đoàn kết

Việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội cầu mưa của người Thái đen ở Bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Điện Biên góp phần khơi dậy tiềm năng văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Đồng thời, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thông qua các sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc sắc, lành mạnh của người dân trong thực hành nghi thức tín ngưỡng dân gian.

Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Từng bước khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc Thái nói riêng, các dân tộc nói chung trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Điện Biên.

Theo https://baovanhoa.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO