Thời gian qua, UBND xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã khoán trên 8.700ha rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ. Từ khi tham gia bảo vệ rừng (BVR), bà con đã có thêm nguồn thu nhập, ý thức BVR của người dân được nâng lên, rừng trên địa bàn cũng được quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn.
Xã Thượng Hóa có 8.707ha rừng do UBND xã và cộng đồng bản Phú Minh, thôn Phú Nhiêu quản lý. Rừng ở Thượng Hóa có trữ lượng gỗ lớn, chất lượng gỗ cao, đường giao thông thuận lợi, nhận thức BVR của người dân chưa cao, đời sống còn khó khăn nên tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép trên địa bàn vẫn còn xảy ra.
Trước đây, trên địa bàn xã Thượng Hóa đã triển khai một số chương trình hỗ trợ kinh phí cho bà con BVR. Tuy nhiên, nguồn kinh phí còn hạn hẹp, không được chi trả thường xuyên gây khó khăn cho lực lượng tham gia BVR…
Để nâng cao hiệu quả công tác BVR, UBND xã Thượng Hóa đã thực hiện các nội dung trong tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 của “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025”, khoán toàn bộ 8.707ha rừng của UBND xã và cộng đồng bản Phú Minh, thôn Phú Nhiêu quản lý để giao lại cho cộng đồng 9 thôn, bản bảo vệ. Hàng ngày, các cộng đồng phân công người thay nhau tuần tra, kiểm soát rừng. Ngoài ra, xã còn thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành, phối hợp với các lực lượng chức năng, chủ rừng cùng tham gia công tác BVR.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Cao Xuân Đàn cho biết: “Việc khoán rừng cho cộng đồng bảo vệ không chỉ tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trong xã mà còn góp phần BVR bền vững, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Khi tham gia bảo vệ mỗi ha rừng, cộng đồng sẽ được nhận 350 nghìn đồng cho năm đầu tiên và 400 nghìn đồng cho các năm tiếp theo”. Trước khi khoán rừng cho cộng đồng, lực lượng Kiểm lâm, UBND xã đã hỗ trợ thuê thiết kế, thành lập Ban Quản lý (BQL), tổ BVR, quy chế hoạt động...
Mỗi BQL rừng cộng đồng có từ 5-12 người, chia nhau thành nhiều tổ, nhóm để phụ trách từng khu vực rừng được khoán bảo vệ. Anh Đinh Ngọc Lan, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Phú Nhiêu chia sẻ: “Nhờ giữ rừng cộng đồng nên tôi và bà con trong thôn có thêm nguồn thu nhập. Rừng được bảo vệ tốt nên ngày càng phát triển, trữ lượng gỗ tăng lên, ong và thú về rừng nhiều khiến ai cũng phấn khởi”. Hiện, cộng đồng thôn Phú Nhiêu đang nhận quản lý, bảo vệ hơn 1.800ha rừng tại các khu vực: Đồi Chua Ngút, Hung Coòng, Hung Ao, Hung Nứa… với sự tham gia bảo vệ của 192 hộ dân.
BQL rừng cộng đồng thôn Phú Nhiêu có 12 người, chia thành 3 tổ, mỗi tổ có 4 người. Trong quá trình tuần tra rừng, các tổ sẽ huy động thêm lực lượng từ các hộ dân. Anh Đinh Xuân Hiểu, một người dân thôn Phú Nhiêu tâm sự: “Khi tuần tra, nếu phát hiện rừng bị xâm hại, chúng tôi sẽ báo cáo lực lượng chức năng, huy động thêm lực lượng để lập biên bản, bắt giữ. Để BVR, mỗi tháng chúng tôi đi tuần khoảng 4-5 lần trong mùa mưa, còn mùa hè thì phân công lực lượng tuần tra liên tục, trực trên chốt cả ngày lẫn đêm”.
Ngoài việc BVR trực tiếp, BQL rừng cộng đồng thôn Phú Nhiêu còn tuyên truyền, vận động 400 con em trong thôn đi làm ăn xa, trong đó có 30 người đi xuất khẩu lao động để có nguồn thu nhập ổn định, giảm tác động vào rừng; lắp camera tại các trục đường chính để theo dõi người lạ ra vào rừng… Nhờ đó, rừng trên địa bàn ngày càng được bảo vệ tốt hơn, tình trạng phá rừng gần như không còn.
Hiện, bản Phú Minh đang bảo vệ gần 780ha rừng tại tiểu khu 239. Đây là khu rừng có nhiều loại gỗ quý, trữ lượng gỗ trên 110.000m3. Diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp nên rừng ở đây luôn tiềm ẩn nguy cơ bị phá. Để góp phần bảo vệ và phát triển rừng, xã đã khoán lại khu rừng này cho bà con bảo vệ. Thực hiện công tác khoán rừng cộng đồng, các đơn vị liên quan đã tiến hành lập hồ sơ, xác định rõ ranh giới, diện tích, điều tra, đánh giá đúng hiện trạng của rừng...
Thực hiện các nội dung trong tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 của “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025” huyện Minh Hóa đã chỉ đạo 5 xã khoán rừng do UBND xã quản lý cho cộng đồng dân cư bảo vệ gồm: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Trọng Hóa và Dân Hóa. Đến nay, công tác khoán rừng ở các địa phương đã và đang được triển khai. Trong quá trình BVR, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh thuộc diện nghèo sẽ được hỗ trợ gạo hàng tháng…
BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh có 5 người và các tổ BVR có 18 người được trang bị bộ đàm và một số trang thiết bị hỗ trợ thay nhau đi kiểm tra rừng. Khi có vụ việc đột xuất hoặc có nguồn tin báo lâm tặc phá rừng, BQL đề xuất thêm lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Công an và chính quyền địa phương cùng phối hợp để đấu tranh, trấn áp, đẩy đuổi.
Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng BQL rừng cộng đồng bản Phú Minh cho biết: “Mỗi lần đi rừng, chúng tôi thường huy động 5-6 người, gùi theo lương thực, thực phẩm vào rừng tuần tra khoảng 2 ngày. Tuy công việc vất vả, nhưng bà con trong bản ai cũng vui, phấn khởi vì được góp sức mình để BVR”.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa Trần An Chung khẳng định: “Việc rừng được khoán cho cộng đồng bảo vệ đã giảm áp lực về công tác BVR cho lực lượng Kiểm lâm, các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn theo đó cũng giảm đáng kể, khả năng phòng hộ của rừng, nhận thức BVR của bà con ngày càng được nâng cao. Hiện độ che phủ rừng của xã Thượng Hóa cao nhất huyện với gần 93%”...
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.