"Dù ai xuôi ngược trăm miền/Nhớ ngày lễ hội Trường Yên lại về". Lễ hội Trường Yên hay Lễ hội Hoa Lư từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Cố đô. Câu ca như lời hẹn ước của những người con Ninh Bình ở khắp mọi miền Tổ quốc dịp tháng Ba lại về Lễ hội.
Là những người con của quê hương Ninh Bình không ai không tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử của cha ông. Truyền thống ấy dường như được lưu giữ, hội tụ trong các hoạt động của Lễ hội Hoa Lư: Từ truyền thống thượng võ qua âm vang của tiếng trống hội vật; truyền thống hiếu học, mến chuộng thi thư qua Hội thi Thư pháp; truyền thống yêu chuộng văn nghệ qua các giao lưu nghệ thuật hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm…
Lễ hội Hoa Lư là nơi phô diễn bản sắc văn hóa của các địa phương hội tụ về đây. Từ trò chơi chèo thuyền khéo của cư dân Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên; trò chơi bắn nỏ của người vùng cao Cúc Phương hay biểu diễn cồng chiêng của người Mường ở Quảng Lạc, Kỳ Phú, Thạch Bình...
Lễ hội cũng là nơi lưu giữ hồn cốt của nhiều giá trị văn hóa truyền thống với nhiều nghi thức tế lễ: lễ mở cửa đền, lễ rước nước, tế lễ cửu khúc... vô cùng linh thiêng, độc đáo và thẫm đẫm những sắc màu văn hóa.
Về với Hoa Lư, người dân được đắm mình trong bầu không khí lễ hội, được cảm nhận rõ hơn nét độc đáo, đa dạng riêng có của Lễ hội Hoa Lư trong dòng chảy văn hóa Ninh Bình, được tự hào là người đã sinh ra từ vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, mảnh đất ken dầy những lớp trầm tích văn hóa, thấm đẫm những huyền thoại.
Ông Lê Doãn Đàm, người một đời tâm huyết nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hoa Lư, cũng là một người dân thôn Đông, xã Trường Yên chia sẻ: Là một người dân sinh ra và lớn lên trên đất Hoa Lư, tôi rất tự hào được góp phần nhỏ bé của mình vào việc tìm hiểu, tôn vinh các giá trị văn hóa lịch sử của quê hương.
Trong kho tàng văn hóa, lịch sử đồ sộ của Hoa Lư thì Lễ hội Trường Yên (hay lễ hội Hoa Lư theo cách gọi ngày nay) chính là nơi hội tụ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Hàng năm Cố đô Hoa Lư lại mở hội, hàng vạn người con của Ninh Bình từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về Lễ hội. Đây là dịp khơi gợi, đánh thức cảm xúc con người về cội nguồn văn hóa, lịch sử, về truyền thống của ông cha, về ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, về lòng yêu quê hương, niềm tự hào về mảnh đất đã sinh ra mình...
Không chỉ ông Lê Doãn Đàm, người sinh ra trên mảnh đất Hoa Lư mà rất nhiều người dân các địa phương trong tỉnh cũng có chung niềm vui, tự hào khi về với Lễ hội Hoa Lư. Bà Bùi Thị Năm, một thành viên câu lạc bộ văn hóa Mường xã Quảng Lạc (Nho Quan) cho biết: Năm nào đến dịp chính hội tôi cũng về Lễ hội Hoa Lư. Tôi tham gia cùng với nhiều thành viên trong CLB văn hóa Mường, chúng tôi được mời tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn cồng chiêng hay đi cà kheo...
Về với lễ hội, tôi cảm nhận sâu sắc không khí vui vẻ, hào hứng của lễ hội, những người trong CLB văn hóa Mường chúng tôi rất vui khi được đóng góp công sức của mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của lễ hội. Điều hạnh phúc nhất là khi tham gia vào Lễ hội, mỗi người trong chúng tôi mới cảm nhận rõ hơn về sự khác biệt trong văn hóa của dân tộc mình so với các cộng đồng dân tộc khác. Đến Lễ hội, hòa mình vào đây, để cảm nhận rõ hơn chính mình. Để thấy được sự độc đáo đặc sắc của dân tộc mình, của các cộng đồng dân tộc anh em, thấy được sự đa dạng, giàu bản sắc văn hóa của Lễ hội Hoa Lư.
Lễ hội Hoa Lư được hình thành từ trong lịch sử, được cộng đồng lưu giữ, bảo tồn từ lúc hình thành cho tới tận ngày nay. Cùng với quá trình hình thành, phát triển, qua thời gian lễ hội luôn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống, đồng thời cũng có những cải biến nhất định để phù hợp với điều kiện văn hóa, lịch sử, bối cảnh kinh tế-xã hội mới.
Lễ hội ngày nay vừa đóng vai trò tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa ngoài ra nó còn phát huy vai trò thúc đẩy hoạt động kinh tế du lịch của địa phương phát triển, đóng góp vào đời sống của cộng đồng cư dân chính nơi sở hữu di sản.
Lễ hội Hoa Lư là nơi hội tụ các giá trị văn hóa của Ninh Bình, cũng là nơi Ninh Bình giới thiệu bộ "diện mạo văn hóa" của mình ra với bạn bè năm châu bốn biển, do đó sức ảnh hưởng về mặt truyền thông của nó rất lớn, vượt ra ngoài ý nghĩa của một lễ hội đơn thuần. Nói cách khác Lễ hội Hoa Lư ở một nghĩa nào đó chính là một biểu tượng văn hóa của Ninh Bình.
Hiện nay, Ninh Bình đang hướng tới kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, không thể phủ nhận giá trị nhiều mặt của Lễ hội Hoa Lư trong tổng thể giá trị của di sản Quần thể danh thắng Tràng An. Tổ chức lễ hội hàng năm cũng là một cách để tôn vinh giá trị di sản này. Di sản văn hóa phi vật thể cực kỳ to lớn, độc đáo, đặc sắc đã trở thành niềm tự hào của người dân Hoa Lư nói riêng và mọi người dân Ninh Bình nói chung.