Ông Hồ In (thường gọi là Côn Giới) ở thôn Kỳ Nơi, xã Lìa, huyện Hướng Hóa được người dân địa phương xem như là một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Pa Kô. Ông dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Kô. Đặc biệt, ông am hiểu sâu và thực hành thành thạo các điệu dân vũ, làn điệu dân ca và tất cả các loại nhạc cụ của người Pa Kô. Bằng vốn hiểu biết đó, Hồ In tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về dân ca, nhạc cụ truyền thống để chung sức giữ gìn, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương mình.
Ở tuổi 70, ông Hồ In vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Hằng ngày bận lên nương lên rẫy sản xuất nhưng đêm về, trong căn nhà sàn nhỏ của gia đình, ông thường hát các làn điệu dân ca và chơi nhạc cụ cho con cháu nghe. Thói quen này vừa là cách ông giải trí sau một ngày lao động vất vả vừa là cách dạy cho con cháu làm quen với những làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống, giáo dục cho con cháu về ý thức trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
“Người Pa Kô chúng tôi có nhiều nét văn hóa rất đặc sắc nhưng ngày càng mai một dần. Tôi muốn các thế hệ kế tiếp hiểu được văn hóa truyền thống của dân tộc mình, có trách nhiệm giữ gìn và tiếp tục phát huy nên tôi thường xuyên động viên con cháu học hỏi. Tôi cũng sẵn sàng chỉ dạy cho thành viên của các đội văn nghệ của xã Lìa để họ nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc cũng như tham gia tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương”, ông Hồ In chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên ở Kỳ Nơi, đây được coi là cái nôi của văn hóa Pa Kô nên Hồ In được tiếp cận dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ sớm từ thế hệ ông bà, bố mẹ. Tất cả các lễ hội ở cộng đồng ông đều tích cực đến xem để được học hỏi từ các nghệ nhân lớn tuổi trong vùng. Bằng những kiến thức tự tìm hiểu đó, Hồ In tự tập luyện, rồi nhờ các bậc cao niên góp ý và điều chỉnh.
Nhờ vậy, ông sớm sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ của người Pa Kô, đặc biệt là nhạc cụ trong các lễ hội lớn, như cồng, chiêng, tù và, khèn bè, xoang, tà ngạt, trống. Đối với các điệu dân vũ, ông nghiên cứu kỹ từng động tác. Cũng theo Hồ In, muốn nắm rõ và nhớ lâu các điệu dân vũ đó thì bắt buộc người thực hành phải hiểu rất rõ về phong tục tập quán, đặc biệt là am hiểu sâu về các lễ hội truyền thống của người Pa Kô.
Mỗi điệu dân vũ sẽ gắn liền với một lễ hội hoặc một sự kiện khác nhau, như: các điệu múa mô tả động tác trỉa lúa, tuốt lúa, giã gạo, sàng, sảy gạo trong điệu múa “mừng lúa mới”, động tác vòng tay ôm của điệu múa “đón làng vào ngày hội” tại lễ hội A Da Koonh (mừng lúa mới); động tác úp hai tay, ngửa tay di chuyển lên xuống mô tả sự đoàn kết tại lễ hội đón làng mới hay đám ma...
Riêng đối với dân ca Pa Kô, để hiểu sâu và biểu diễn thành thạo, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu hơn cả. Dân ca Pa Kô rất phong phú, kỹ năng biểu diễn phức tạp bởi độ luyến láy nhiều, kỹ năng tạo lời và sắp xếp ý tứ cũng không hề đơn giản. Mỗi làn điệu dân ca đều có kỹ năng tạo lời và sắp xếp ý khác nhau.
Người Pa Kô dùng những hình ảnh của đời thực để đưa vào các làn điệu dân ca. Hình ảnh sự vật nào phù hợp biểu thị cho cung bậc cảm xúc hay mối quan hệ nào thì sẽ được lựa chọn để tạo lời. Sự ví von, liên tưởng từ các sự vật đó sẽ bộc lộ những nỗi niềm, tình cảm mà họ muốn giải bày. Đến nay, Hồ In là một trong số rất ít người am hiểu và thực hành thành thạo tất cả những làn điệu dân ca Pa Kô, như: xiêng, hát ru, làn điệu têraték, têryưưng, kăn a-un; cha-chấp, cà-lơi, tà-chấp, săm-bẹ...
Với trăn trở bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, ông vẫn không ngừng tập luyện và thực hành nhạc cụ, dân ca và dân vũ. Ông tích cực tham gia Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Lìa, tại đây ông sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các thành viên khác. Ngoài ra, ông được mời tham gia nhiều sự kiện văn hóa, truyền dạy tại các lớp văn hóa phi vật thể tại địa phương; biểu diễn thực hành cho các đoàn nghiên cứu về văn hóa Pa Kô.
Phó Chủ tịch UBND xã Lìa Hồ Văn Thứ cho biết: “Hồ In là một trong những thành viên tiêu biểu của Câu lạc bộ cồng chiêng xã Lìa. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn rất tích cực trong việc nghiên cứu, tập luyện và đặc biệt là vận động, chỉ dạy cho con cháu hiểu thêm về văn hóa Pa Kô. Các hoạt động văn hóa ở xã, ông đều tham gia rất nhiệt tình, đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Pa Kô tại địa phương”.