Văn hóa

Giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống Tết đồng bào dân tộc Thổ

Dương Bích 24/01/2024 - 15:02

Phong tục Tết cổ truyền có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ, bắt đầu bằng tục lệ làm lễ tạ ơn tổ tiên, thể hiện lòng thành kính, hướng về nguồn cội, biết ơn những đấng sinh thành.

217d2112129t2678l5-3a.jpg
Ngày Tết của người Thổ huyện Như Xuân.

Trải qua bao biến thiên thăng trầm của thời gian, các thế hệ người thổ xứ Thanh nói chung, người Thổ ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân nói riêng, luôn nhắc nhở nhau nhớ về nguồn cội, về truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, về những giá trị thiêng liêng của ngày tết cổ truyền.

Ngày 22 tháng chạp, các gia đình sẽ cử con trai, cháu trai trong nhà ra mộ tổ tiên, ông bà để dọn dẹp và mời tổ tiên, ông, bà về ăn tết. Vào ngày 23 tháng chạp, người Thổ làm mâm cỗ truyền thống để đưa ông công, ông táo về trời, tục lệ cúng có xôi, gà, thịt lợn, cá chép. Con cháu vây quanh thầy cúng cùng tiễn ông công, ông táo lên thiên đình báo cáo những việc làm trong năm của gia đình, dòng họ. Ngày 27, 28 là thời gian chuẩn bị các công việc quét dọn trang trí lại nhà cửa và bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh, chế biến thức ăn.

217d2112205t1063l6-5-2.jpg
Gói bánh chưng của người Thổ.

Ngày này, người Thổ đều trồng cây nêu trước cổng nhà, treo trống chiêng. Cây nêu thường là cây vầu, cao thẳng và để lại phần ngọn trên cây. Số lượng các cành phụ thuộc vào số con cháu trong gia đình. Những nhà có nhiều thế hệ cùng chung sống, cành lá thường xum xuê. Đồng thời, vào ngày này người Thổ chính thức “khóa rừng”. Nghĩa là từ ngày 27 đến mùng 7 tháng giêng, người dân không được vào rừng để chặt cây, lấy củi, lấy lá,...

Cũng trong ngày này, đồng bào bó lại tất cả các dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: cuốc xẻng, cày, bừa để cho các vật dụng nghỉ ngơi xem như trả ơn một năm giúp người dân khai hoang, phục hóa. Để lên cối giã gạo đậy 1 lá mây lên đến hôm cúng tất niên bệt một ít cơm hoặc treo 1 cái bánh chưng lên dụng cụ.

Chiều 30 tết, các con cháu quây quần để làm mâm cỗ cúng dâng lên tổ tiên. Lễ cúng bao giờ cũng được diễn ra gần bếp lửa. Bếp lửa có ý nghĩa vô cùng quan trọng với người Thổ, nhất là trong những ngày tết, con cháu ngồi vây quanh ông bà bên bếp lửa để được ông bà chúc phúc và mừng tuổi cho các cháu. Sáng mùng 1 tết, gia đình sẽ đón anh em, bạn bè đến xông đất, xông nhà. Người xông nhà sẽ được gia chủ đón tiếp, mời uống chén rượu đầu năm, được mừng tuổi và chúc những lời tốt đẹp về cho gia đình.

Đặc biệt người Thổ rất quý những con vật, nhất là đối với con trâu. Theo tục lệ vào sáng mùng 1 tết, gia chủ phải có lễ cho trâu ăn tết để cảm ơn trâu một năm giúp gia chủ làm việc đồng áng. Trong dịp tết cổ truyền, người dân tộc Thổ tổ chức các trò chơi, trò diễn như ném còn, đánh đu, cồng chiêng, đi cà kheo, làn điệu hát chậm đò ho,...

217d2112228t2310l0-7a.jpg
Tiết mục hát múa chậm đò ho của đồng dân tộc thổ huyện Như Xuân.

Ngày mùng 2 tết trên bàn thờ phải có sắp sẵn các loại bánh chưng, bánh ót, bánh ú, bánh mật, trái cây và gạo, thịt, tiền vàng... để các cụ mang đi, hẹn tết năm tới lại đón tổ tiên về ăn tết với gia đình. Nét nhân văn của đồng bào dân tộc Thổ là vào ngày mùng 2 tết, các chàng rể phải chuẩn bị đồ lễ về thăm bố mẹ vợ (đi mộng) gồm có: 1 cỗ xôi con gà, 1 đôi bánh chưng, 1 chai rượu bỏ vào cái làn và mừng tuổi cho bố mẹ, các em, các cháu, đây là truyền thống tốt đẹp của người Thổ từ bao đời nay. Đồng bào dân tộc Thổ ở Như Xuân ăn tết, vui xuân cho đến ngày 7 tháng giêng thì hạ cây nêu, hạ trống chiêng và làm lễ khai xuân xuống đồng, vào rừng. Bắt đầu một năm mới với niềm vui, hi vọng mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, mọi người được bình an, mạnh khỏe.

Bên cạnh các giá trị văn hóa dân gian của người Thổ, hiện vẫn còn được truyền lại trong Nhân dân như trống chiêng váy áo thắt lưng, thì còn nhiều giá trị văn hóa cổ truyền nếu không kịp thời bảo lưu sẽ rất dễ bị mai một, nhất là đối với các giá trị phi vật thể như phong tục tập quán, các chuyện kể, các làn điệu dân ca cổ như đu đu điềng điềng, cồng chiêng tập tính tập tang dạ ơi.

Đó là những lời ca điệu hát thể hiện vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm của gia đình, tình yêu quê hương, đất nước của đồng bào dân tộc Thổ, nhất là trong mỗi dịp tết đến xuân về. Để từ đó mỗi người con dân tộc Thổ càng hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền đời, hiểu được giá trị hồn cốt của văn hóa dân tộc mình, để trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai, cùng đoàn kết nỗ lực trong lao động, sản xuất, học tập và báo đáp, khơi gợi lòng tự hào dân tộc trong mỗi người con dân tộc Thổ, từ đó cùng chung sức gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau.

Theo Báo Thanh Hóa
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO