Đưa trò chơi dân gian vào trường học giúp các em có thêm hiểu biết về văn hóa truyền thống dân tộc.
Tạo sân chơi bổ ích
Trường THCS Quang Trung (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường còn tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, chú trọng đưa các trò chơi dân gian như chơi chuyền, bịt mắt, bắt dê, đánh trống, trồng nụ, trồng hoa, ô ăn quan…
Em Vi Văn Lượng, học sinh lớp 9A1 (Trường THCS Quang Trung) cho biết: Thời gian ra chơi em thường cùng các bạn trong lớp chơi các trò như ô ăn quan, kéo co… Em thấy đây là một trong những hoạt động bổ ích, thú vị và giúp giảm căng thẳng sau mỗi giờ học tập.
Đặng Phương Thảo, học sinh lớp 7A3 chia sẻ: “Trong các trò chơi thì em thích nhất là ô ăn quan. Ở trường, chúng em dùng phấn vẽ bàn chơi, chuẩn bị những viên sỏi mịn. Trò chơi này đòi hỏi khả năng tính toán, tập trung nhưng lại mang đến cảm giác vui vẻ”.
Cô Nguyễn Huệ Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết: Các trò chơi dân gian rất đa dạng, dễ kiếm vật liệu ở mọi nơi. Chỉ với một viên phấn, viên gạch, viên sỏi lớn nhỏ, một khoảnh sân là các em đã có thể chơi ô ăn quan vô cùng vui vẻ và thú vị. Thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh giáo viên sẽ dễ dàng quản lý và đảm bảo an toàn cho học sinh, bên cạnh đó sự gắn kết, sẻ chia giữa các em cũng góp phần xây dựng văn hóa học đường, môi trường giáo dục an toàn, hạnh phúc.
“Nhà trường mong muốn, từ những hoạt động ngoại khóa, những giờ ra chơi không chỉ góp phần giải tỏa áp lực cho học sinh, mà qua đó còn tuyên truyền, giúp các em rèn luyện thể chất và tinh thần theo chiều hướng tốt hơn”, cô Nguyễn Huệ Oanh nói thêm.
Gìn giữ văn hóa truyền thống
Tại Trường PTDT Nội trú THCS Phú Lương (Phú Lương, Thái Nguyên), thời gian qua nhà trường đã tổ chức lồng ghép đưa các trò chơi dân gian vào trong các hoạt động ngoại khóa, chương trình văn hóa văn nghệ.
Cô Trịnh Thị Thủy - Tổng phụ trách Đội nhà trường chia sẻ: Để văn hóa truyền thống thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, chúng tôi đã đưa trò chơi dân gian vào học đường. Sự kết hợp giữa các trò chơi dân gian, trò chơi có tính trí tuệ trong giải toán, trò chơi có tính ứng xử trên cơ sở xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực sẽ giúp các em được trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng về văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Theo cô Thủy, hầu hết học sinh khi được tham gia trải nghiệm đều cảm thấy rất hào hứng. Những trò chơi dân gian không chỉ thu hút học sinh, mà còn có sự tham gia của giáo viên trong toàn trường. Có thể thấy đây không chỉ là một sân chơi lành mạnh để học sinh được giao lưu, tích cực tập luyện thể dục thể thao, sức khỏe, mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi của nhà trường.
Tương tự như Trường PTDT Nội trú huyện Phú Lương, Trường Phổ Thông Vùng cao Việt Bắc cũng là nơi nuôi dưỡng, tạo nguồn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Với mục tiêu gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, các ngày hội văn hóa, văn nghệ đặc sắc, lồng ghép với các trò chơi dân gian để bồi đắp và nuôi dưỡng tâm hồn cho các em học sinh.
Cô Trần Thị Thanh Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Vùng cao Việt Bắc chia sẻ: Đối với học sinh dân tộc thiểu số thì trò chơi dân gian là một trong những yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, cội nguồn nuôi dưỡng thế giới tinh thần và cũng là nhịp cầu nối tâm thức của các em với mọi bài học về cuộc sống xã hội.
Trong các dịp lễ, hội hay chương trình ngoại khóa, nhà trường luôn đưa các trò chơi dân gian vào các hoạt động, để các em được tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc cũng như tạo không gian văn hóa đặc sắc để học sinh được trải nghiệm. Mặc dù, mỗi chương trình sẽ có một chủ đề khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích chung, đó là giúp các em hiểu, trân trọng bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
“Tại các chương trình, học sinh sẽ mang đến những màn biểu diễn trang phục truyền thống, hát dân ca, chơi các trò chơi trong không khí rộn ràng với các màn múa xòe, nhảy sạp, ném còn, tung bóng. Tiếng trống cổ động, tiềng cười nói, hò reo cổ vũ các đội thi đấu bóng chuyền, bóng rổ, kéo co… tạo nên không gian đặc sắc, qua đó giúp các em thêm tự hào về truyền thống dân tộc, dễ dàng hòa nhập với các nền văn hóa khác và phần nào cảm thấy vơi đi nỗi nhớ nhà, xa quê hương”, cô Huệ chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lương (Thái Nguyên) cho biết: Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học được xem là một trong những chủ trương nằm trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Sau một thời gian triển khai, các hoạt động đã tạo hiệu ứng tích cực đối với các thầy, cô giáo và các em học sinh. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học, trong giai đoạn tới, Phú Lương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và duy trì thường xuyên việc tổ chức đa dạng các trò chơi dân gian trong trường học. Qua đó, góp phần hình thành và phát triển nhân cách học sinh.