Chương trình tiết kiệm và vốn vay thôn bản (TK-VVTB) ra đời nhằm nâng cao khả năng chủ động về mặt tài chính cho chị em phụ nữ (PN), nâng cao vai trò của người PN trong xã hội, góp phần bình đẳng giới. Chương trình còn giúp cho nhiều PN nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Chi hội PN bản Ka Định một trong những điểm sáng thực hiện tốt mô hình “TK-VVTB” tại xã Dân Hóa (Minh Hóa). Hàng tháng, chi hội thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt định kỳ và huy động hội viên đóng góp tiền vào tổ TK-VVTB. Số tiền thu được sau mỗi buổi sinh hoạt là từ 2-3 triệu đồng, trung bình mỗi thành viên sẽ tiết kiệm được từ 100-150 nghìn đồng/tháng.
Chị Hồ Thị Huê, Chi hội trưởng Chi hội PN bản Ka Định chia sẻ về cách quản lý tiền của tổ: “Tổ sẽ cử 3 người phụ trách giữ khóa thùng tiền, một thư ký để ghi chép cẩn thận số tiền thu và chi. Tất cả được thực hiện công khai dưới sự chứng kiến của tất cả các thành viên trong tổ.”
Được thành lập từ năm 2016, tổ TK-VVTB của Chi hội PN bản Ka Định hoạt động khá đều đặn và hiệu quả. Trung bình mỗi năm tiết kiệm được từ 30-40 triệu đồng, hỗ trợ hàng chục hội viên có nguồn vốn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Tổ TK-VVTB là một phương thức hoạt động dựa vào cộng đồng nhằm khuyến khích sự tham gia của PN nói riêng và cộng đồng nói chung trong việc hình thành và xây dựng năng lực tài chính của cộng đồng dân cư. Mỗi nhóm TK-VVTB sẽ tự quản lý, hoạt động độc lập, công khai, từ đó cung cấp vốn vay cho các thành viên trong nhóm, đồng thời đóng góp một số tiền nhỏ cho quỹ xã hội. Các thành viên có thể gửi tiết kiệm và vay các khoản vay khác nhau theo cách thức hoàn trả dần phù hợp với khả năng của từng hội viên. Hiệu quả xã hội của nhóm TK-VVTB chính là các thành viên được nâng cao kiến thức về quản lý tài chính hộ gia đình, giúp cho người nghèo có cơ hội dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Chị Hồ Thị Be, 24 tuổi, là thành viên của tổ TK-VVTB Chi hội PN bản Ka Định. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, sau một thời gian tham gia vào tổ, chị đã vay được một ít vốn để đầu tư nuôi dê. Hiện, đàn dê của gia đình chị đang sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến vào cuối năm nay sẽ xuất bán lứa đầu tiên.
Chị Hồ Thị Be chia sẻ: “Bảy năm trước, vợ chồng tôi không có công ăn việc làm. Từ khi tham gia tổ và có tiền vay vốn làm ăn, cuộc sống đã ổn định hơn trước”.
Ngoài Chi hội PN bản Ka Định, còn có Chi hội PN thôn 3 Kim Bảng, xã Minh Hóa cũng là một trong những chi hội thực hiện hiệu quả mô hình tổ TK-VVTB trên địa bàn huyện Minh Hóa. Hiện, mô hình đã thu hút 44 chị em PN tham gia, trung bình mỗi năm tiết kiệm được từ 150-200 triệu đồng. Từ mô hình này, nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn để làm ăn.
Bên cạnh việc vận động chị em tiết kiệm, hỗ trợ cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được các nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mô hình được triển khai tại xã Minh Hóa cũng đã lồng ghép các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức của chị em về các vấn đề được xã hội quan tâm như bình đẳng giới, bạo lực gia đình, là nơi để chị em PN gặp gỡ, trao đổi tâm tư nguyện vọng trong cuộc sống.
Huyện Minh Hóa hiện có 8 xã đã triển khai mô hình tổ TK-VVTB, gồm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa, Tân Hóa, Minh Hóa, Yên Hóa và Hóa Hợp. Đến nay, đã thành lập được 31 tổ với tổng số 555 thành viên; tổng số tiền tiết kiệm được gần 1,4 tỷ đồng, đã xét cho 211 thành viên vay vốn để phát triển kinh tế và cho con cái học tập với số tiền trên 1,2 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn này mà nhiều chị em PN đã có điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê cho biết: “Sau nhiều năm triển khai hiệu quả, mô hình vừa giúp chị em có vốn làm ăn, vừa hình thành thói quen tiết kiệm và chi tiêu hợp lý trong gia đình. Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để chị em tham gia mô hình hữu ích này”.
Chương trình TK-VVTB được triển khai ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong việc huy động, khuyến khích chị em PN cùng hành động để thoát nghèo, tạo dựng thói quen tiết kiệm và quản lý chi tiêu trong gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.