Phát triển - Hội nhập

Làm giàu từ cây sen

Phan Phương 04/12/2023 - 22:09

Là kỹ sư thủy lợi, có công việc ổn định tại một ban quản lý dự án đầu tư xây dựng của nhà nước nhưng anh Phan Thanh Sơn (SN 1993, ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn quyết định bỏ việc về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp. Với sức trẻ, sự kiên trì và tâm huyết tạo ra những sản phẩm sạch, bước đầu anh đã gặt hái được “trái ngọt” từ mô hình trồng sen...

Dám nghĩ, dám làm
Năm 2014, sau khi nhận bằng kỹ sư thủy lợi, Phan Thanh Sơn được nhận vào làm việc ở Ban Quản lý dự án ODA Quảng Trạch. Công việc được xem là ổn định, thu nhập khá nhưng anh lại không chọn để gắn bó lâu dài. Năm 2018, anh quyết định bỏ việc để về quê trồng sen.
“Gia đình tôi có truyền thống làm nông nghiệp và từ rất lâu đã có một hồ sen trước nhà. Từ nhỏ, hình ảnh và hương thơm của hoa sen như ngấm vào máu thịt. Bản thân tôi vẫn luôn dành một tình yêu đặc biệt với sen. Vì vậy, khi quyết định bỏ việc nhà nước để về khởi nghiệp, tôi đã chọn cây sen”, anh Sơn chia sẻ.
Cánh đồng sen của các tổ viên HTX Thanh Sơn.
Cánh đồng sen của các tổ viên HTX Thanh Sơn.
Vậy nhưng khi bắt tay vào trồng sen, anh Sơn đã gặp không ít khó khăn, áp lực. Mặc dù trước đây gia đình anh đã có một hồ sen nhưng chỉ trồng theo cách truyền thống “được chăng hay chớ”. Bản thân anh Sơn, tuy mang tiếng là “con nhà nông” nhưng từ nhỏ đến lớn chỉ biết đi học, nên không hề có chút kinh nghiệm nào trong việc trồng sen. Chính vì vậy, theo chia sẻ của anh Sơn, những vụ đầu anh chỉ dám trồng giống sen địa phương và trồng theo cách truyền thống nên cây sinh trưởng kém, chậm phát triển, cho thu nhập thấp.
Khởi đầu không mấy dễ dàng, nhưng anh Sơn không nản chí. Với quyết tâm làm giàu từ cây sen, anh bỏ công đi học hỏi kinh nghiệm của những nơi đã thành công với các mô hình trồng sen và quyết định đầu tư máy móc hỗ trợ, tiến hành cải tạo hồ, mua các giống sen mới để trồng.
Một số sản phẩm từ sen của HTX Thanh Sơn.
Một số sản phẩm từ sen của HTX Thanh Sơn.
Trên diện tích 1,64ha sen của gia đình, anh Sơn đã dùng 1ha để trồng các giống sen Nhật đủ màu. Đây là giống sen mới, có nhiều cánh hoa kép, cho hoa quanh năm để cung cấp hoa thường xuyên cho thị trường. Số diện tích còn lại, anh dùng 0,4ha trồng sen lấy hạt và gần 0,25ha trồng sen lấy củ. Với diện tích này, mỗi năm anh Sơn đã có thu nhập hơn 150 triệu đồng từ nguồn bán hoa sen, hạt sen và củ sen.
Liên kết cùng nhau phát triển
Anh Phan Thanh Sơn cho biết, để thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, năm 2022, anh đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Thanh Sơn (HTX Thanh Sơn), liên kết với 9 hộ dân trồng sen trong vùng. Hiện, mỗi năm HTX giúp tiêu thụ hơn 10 tấn hạt sen cho các tổ viên; đồng thời, còn thu mua thêm các nguyên liệu thô từ sen cho nhiều hộ trồng sen khác trong vùng.
Để tận dụng hết các bộ phận từ cây sen, phát huy những lợi ích sức khỏe mà cây sen mang lại, HTX Thanh Sơn đã đầu tư gần 150 triệu đồng để mua các loại máy bóc vỏ sen, đánh hạt sen, máy sấy, máy hút chân không và máy đóng trà túi lọc để sản xuất các loại sản phẩm trà từ lá sen, hoa sen và củ sen, tim sen. Chỉn chu trong từng công đoạn sản xuất, nên các sản phẩm từ sen của HTX Thanh Sơn, như: Hạt sen, tim sen, trà lá sen, trà hoa sen, bột củ sen… ngày càng được thị trường gần, xa biết đến và tiêu thụ với số lượng lớn.
Chị Nguyễn Thị Liên, tổ viên HTX Thanh Sơn chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây có trồng sen trên diện tích 2.500m2 nhưng thu nhập không đáng kể. Từ khi tham gia liên kết với HTX Thanh Sơn, được hướng dẫn kỹ thuật trồng cũng như đầu tư giống sen mới vào sản xuất, năng suất cây sen ngày càng tăng. Cùng với đó, nhờ HTX bao tiêu nên chúng tôi không còn lo đầu ra, yên tâm sản xuất. Hiện, với diện tích hồ sen đang duy trì, mỗi vụ gia đình tôi có thu nhập hơn 20 triệu đồng từ bán hạt sen. Thời gian tới, gia đình sẽ cải tạo thêm diện tích ruộng lúa để chuyển đổi qua trồng sen”.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện cho người dân về quỹ đất, tiếp cận với vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng diện tích trồng sen. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh hỗ trợ HTX Thanh Sơn xây dựng thương hiệu, hoàn thành thủ tục công nhận sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ để các sản phẩm làm từ sen phát triển ổn định, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt cho biết thêm.

Nói về hướng phát triển trong tương lai của HTX, ánh mắt của anh Sơn ánh lên sự nhiệt huyết và quyết tâm. Anh cho hay, sẽ tiếp tục mở rộng HTX, liên kết thêm với nhiều hộ trồng sen khác trong vùng để cùng nhau phát triển. Hiện, HTX đang hoàn tất các hồ sơ thủ tục đăng ký các sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. Cùng với đó, HTX sẽ tìm hiểu, học tập các mô hình du lịch sinh thái để phát huy hết tiềm năng, giá trị của các hồ sen, từ đó giúp các tổ viên và người dân tăng thêm thu nhập.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt cho biết, mô hình trồng sen của HTX Thanh Sơn là một mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tạo ra hướng đi mới, làm thay đổi nhận thức, phương cách sản xuất của nhiều nông dân, đặc biệt là trên các diện tích đất trũng thấp, trồng lúa kém năng suất của địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương.
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO