Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện Đại Từ đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo, tạo động lực để phát triển bền vững.
Xác định việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã tập trung mọi nguồn lực, nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ, người dân về giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân vươn lên thoát nghèo; tập trung phát triển sản xuất; hỗ trợ dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo. Đồng thời, huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững…
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện và sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, UBND huyện, các tổ chức chính trị- xã hội và UBND các xã, thị trấn nên chương trình luôn được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và đạt hiểu quả cao. Trong năm 2023, UBND huyện đã đề ra kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5% trở lên.
Việc thực hiện các dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện luôn được triển khai kịp thời, đồng bộ, đảm bảo theo đúng quy định. Với mục tiêu triển khai thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để giúp các hộ gia đình có điều kiện thuận lợi trong việc sản xuất nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật trong canh tác, sản xuất từ đó giúp các hộ gia đình nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống từ đó vươn lên thoát nghèo.
Theo chân cán bộ xã Cù Vân, huyện Đại Từ tới nhà một số hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án Hỗ trợ trâu, bò sinh sản, chúng tôi thấy được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Là một trong 16 hộ dân được nhận bò giống theo Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, bà Lý Thị Hồng, xóm 12, xã Cù Vân cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo đã nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa.
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là xã Cù Vân, gia đình tôi được hỗ trợ một con bò giống. Quá trình thực hiện dự án, tôi được cán bộ khuyến nông của xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò…
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã cũng thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho bò. Sau 4 tháng chăm sóc, con bò đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ chăn nuôi bò, gia đình bà mong muốn sẽ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chia sẻ về quá trình triển khai, thực hiện dự án, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân cho biết: Về cơ bản, dự án triển khai có nhiều thuận lợi, các chế độ, chính sách được triển khai nhanh, các văn bản hướng dẫn cụ thể, quá trình khảo sát thực hiện dự án có nhiều thuận lợi, người dân được hỗ trợ con giống rất phấn khởi và cam kết sau khi triển khai dự án sẽ cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, xã Cù Vân cũng có điều kiện khí hậu, thổ dưỡng phù hợp, đất đai rộng để trồng cỏ, lúa, ngô, chuối, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho bò phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp khó khăn như quá trình rà soát.
Theo ông Dương Tiến Dũng, dự án được triển khai sẽ góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo phát triển sinh kế, đặc biệt là những hộ thiếu vốn sản xuất, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, còn chung tay cùng với chính quyền địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm khoảng 1,5 - 2% cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giai đoạn 2022 - 2023, huyện Đại Từ được giao trên 17 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và chuyển tiếp trên 3 tỉ đồng nguồn vốn từ năm 2022, 14 tỉ nguồn vốn từ 2023. Từ nguồn vốn trên, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung thực hiện các mô hình, dự án theo kế hoạch.
Trong đó với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang triển khai 8 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp tại 8 xã với các dự án hỗ trợ phân bón phát triển cây chè; hỗ trợ trâu, bò sinh sản với tổng số người tham gia dự án là 515 người (Hộ nghèo là 276 hộ; hộ cận nghèo 188 hộ; hộ mới thoát nghèo là 43 hộ; hộ làm kinh tế giỏi là 8 hộ).