Bản sắc văn hóa

Hát Dô - Di sản văn hóa độc đáo xứ Đoài

Hoàng Sơn 11/02/2024 - 21:02

Xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) là vùng đất cổ ở xứ Đoài. Nơi đây còn lưu giữ làn điệu hát Dô - một loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo. Trải qua hàng nghìn năm, hát Dô vẫn được các thế hệ người dân địa phương lưu giữ, trao truyền và phát triển.

Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận nghệ thuật hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nét đẹp văn hóa độc đáo

Khi những ruộng lúa non ven sông Tích bắt đầu bén rễ hồi xanh cũng là thời điểm các thành viên trong Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết tụ hội ở sân đình, đền để dàn dựng các tiết mục biểu diễn tại lễ hội truyền thống của quê hương sẽ diễn ra vào dịp đầu xuân. Tiếng phách tre giữ nhịp hòa vào lời hát rộn rã cả vùng quê ven sông Tích. Ông Kiều Văn Phượng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Liệp Tuyết kể, hát Dô bắt nguồn từ câu chuyện Đức thánh Tản Viên ngao du qua vùng sông Tích đến đất Lạp Hạ (xã Liệp Tuyết ngày nay) thì dừng chân và dạy người dân nơi đây trồng trọt, cấy lúa. 36 năm sau, Ngài quay trở lại, thấy dân làng có cuộc sống sung túc nên đã tập hợp nam thanh, nữ tú đến dạy múa hát, mở hội mừng dân được mùa no ấm và đó chính là điệu hát Dô ngày nay. Ghi nhớ công ơn của Đức thánh Tản, dân làng lập đền thờ Ngài trên gò Khánh Xuân. Từ đó, cứ 36 năm người dân Liệp Tuyết lại mở hội múa hát, gọi là hội Dô.

hat-do.jpg
Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết tham gia biểu diễn tại lễ khai hội chùa Thầy năm 2023. Ảnh: Xuân Trường

Hát Dô có hai làn điệu chính là hát chúc và hát bỏ bộ. Nội dung của các bài hát chúc thể hiện ước muốn của cộng đồng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu... Hát bỏ bộ ca ngợi tình yêu nam nữ, cảnh đẹp của thiên nhiên... Khi tổ chức lễ hội hát Dô, các thôn tuyển chọn các nam thanh, nữ tú nhà không có “bụi” (tang ma) tham gia. Trong đội hình múa hát, có 1 - 2 người làm “cái hát” (lĩnh xướng), 8 - 20 nữ làm “con hát” để đồng ca và múa phụ họa. “Cái hát” mặc áo the, khăn xếp; “con hát” tóc vấn đuôi gà, cổ đeo chuỗi hạt vàng, mặc áo năm thân đóng mớ ba, đi dép cong, cầm quạt. “Cái hát” xướng và điều chỉnh bằng tiếng sênh (hai thanh tre) giữ nhịp phách, “con hát” vừa hát vừa múa phụ họa...

Chính hội hát Dô được tổ chức từ mùng 10 đến 15 tháng Giêng. Các thôn rước kiệu vào làm lễ cáo tế, sau đó lần lượt vào hát. Cứ hát như thế đến ngày 15 tháng Giêng thì làm lễ giã hội, sách hát lại được cất vào tráp, không ai được nhắc lại. Chính vì tục lệ 36 năm mở hội một lần và lần cuối cùng vào năm 1926, khiến hát Dô dần bị thất truyền...

Hồi sinh và lan tỏa cho mai sau

Để khôi phục, bảo tồn hát Dô - di sản văn hóa đặc trưng ở xứ Đoài, năm 1989, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã về khảo sát, mở lớp khôi phục di sản hát Dô tại xã Liệp Tuyết. Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã được phân công tham gia quản lý lớp học và phối hợp với đoàn khảo sát thực hiện nhiệm vụ. Song song với quá trình thu thập, sưu tầm tài liệu, bà Lan còn đến các gia đình vận động thanh, thiếu niên tham gia đội văn nghệ.

Sau một thời gian tập luyện, đội văn nghệ xã Liệp Tuyết đã trình diễn hát Dô tại các hội diễn văn nghệ quần chúng. Năm 1994, cụ Kiều Thị Duyên đạt Huy chương vàng trong hội diễn cấp tỉnh với bài “Mùi khải tứ tung”; bà Nguyễn Thị Lan đạt Huy chương bạc với tiết mục “Răng đen”, “Cổ kiêu ba ngấn”... Năm 1998, để hát Dô ngày càng lan tỏa trong nhân dân, bà Nguyễn Thị Lan đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Dô với 30 thành viên, phần lớn ở độ tuổi trung niên. Hiện nay câu lạc bộ đã dần được trẻ hóa, bắt đầu có những lớp kế cận.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Nam cho biết, với những nỗ lực sưu tầm, phục hồi, gìn giữ, trao truyền, nghệ thuật hát Dô xã Liệp Tuyết đã phát huy hiệu quả trong cộng đồng. Cụ Kiều Thị Nhuận và cụ Tạ Văn Lai trong Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà Nguyễn Thị Lan cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Đến nay, phong trào tập luyện hát Dô ngày càng lan tỏa, thu hút gần 1.000 lượt người đủ mọi thành phần, lứa tuổi ở xã Liệp Tuyết tham gia.

Trong những năm gần đây, huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách bảo tồn, khôi phục nghệ thuật hát Dô. Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã biên soạn sách về hát Dô, hỗ trợ kinh phí mở lớp truyền dạy, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tại các sự kiện văn hóa của thành phố Hà Nội và các bộ, ngành tổ chức; UBND huyện Quốc Oai xây dựng đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn, trong đó có hát Dô xã Liệp Tuyết...

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, ghi nhận nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của nhân dân và các cấp chính quyền huyện Quốc Oai, ngày 6-3-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô xã Liệp Tuyết. Ngày 19-2-2024 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn), UBND huyện Quốc Oai sẽ tổ chức lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô xã Liệp Tuyết. “Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của di sản hát Dô cho mai sau. Đồng thời, xây dựng thành điểm du lịch văn hóa trải nghiệm, thu hút khách thập phương về thưởng lãm, nhằm đem lại cơ hội cho người dân phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của quê hương” - ông Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh.

Theo HNM
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO