Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được biết đến là vùng địa linh, nhân kiệt với nhiều di tích lịch sử và trầm tích di sản văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các làn điệu dân ca, hò khoan đã và đang lan tỏa, tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, trở thành vốn di sản quý đang được các nghệ nhân, địa phương chú trọng bảo tồn và phát huy.
Giữ gìn vốn quý
Mỗi tháng một lần, vào những ngày cuối tuần, tại ngôi nhà của nghệ nhân dân gian (NNDG) Nguyễn Thanh Thiếu (SN 1953), thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), những câu hò mượt mà, đằm thắm, lúc trầm, lúc bổng của hai mái hò khơi, hò nậu xăm, đặc trưng của người dân miền biển Lệ Thủy lại vang lên...
NNDG Nguyễn Thanh Thiếu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) dân ca hò khơi Ngư Thủy với 19 thành viên. CLB được thành lập vào tháng 1/2024 với nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn, gìn giữ, sưu tầm các làn điệu dân ca, nhất là hai mái hò khơi và hò nậu xăm. “Mặc dù được hình thành và manh nha từ năm 2007 (CLB được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Hội Người cao tuổi xã), nhưng CLB dân ca hò khơi Ngư Thủy lại ra đời muộn hơn so với các CLB dân ca khác ở địa bàn huyện Lệ Thủy. Các thành viên của CLB chủ yếu là người địa phương, những hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, có tình yêu và niềm đam mê các làn điệu dân ca, câu hò quê hương…”, NNDG Nguyễn Thanh Thiếu cho biết.
Hiện, CLB dân ca hò khơi Ngư Thủy đã sưu tầm, phục dựng hơn 80 bài hò khơi, hò nậu xăm lời cổ; tổ chức dàn dựng để tham gia tại các hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ ở địa phương và trong tỉnh. Ngoài ra, CLB còn phối hợp với các trường học trên địa bàn xã để truyền dạy cho các em học sinh những mái hò khơi, hò nậu xăm nhằm bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương.
Tham gia vào CLB từ năm 2017, chị Trần Thị Kim Liên (SN 1977), thôn Liêm Bắc được xem là “hạt nhân” của CLB dân ca hò khơi Ngư Thủy. Chị Liên là thành viên trẻ tuổi trong CLB, nhưng những mái hò nào chị Liên cũng thể hiện tốt. “CLB có lợi thế là sự góp mặt của những hạt nhân văn nghệ tiêu biểu, có người hát tốt câu hò này, có người lại biết nhiều về các nhạc cụ, như: Đàn, sáo, nhị, trống. Người biết dạy cho người chưa biết, người biết nhiều dạy cho người biết ít, cứ thế không biết từ khi nào CLB đã trở thành một lớp học không phân biệt tuổi tác. Các thành viên CLB cùng chung niềm đam mê và khao khát gìn giữ truyền thống văn hóa của quê hương…”, chị Liên chia sẻ.
Tại bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy), NNDG Hồ Văn Tiêu (SN 1944) đã có hơn nửa đời gắn bó, phục dựng những nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở đây. NNDG Hồ Văn Tiêu nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy, với mong muốn bản sắc văn hóa người Bru-Vân Kiều được gìn giữ và phát huy, ông đã tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào đội văn nghệ của bản; tập luyện, duy trì nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời, trong đó, có những làn điệu dân ca độc đáo, như: Tà Oải, Xà Nớt…
Hiện, huyện Lệ Thủy có 3 di sản được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Hò khoan Lệ Thủy, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang, lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân kiều xã Ngân Thủy. 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; 23 đội văn nghệ truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều…
“Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, người Bru-Vân Kiều ở đây cũng vậy. Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào chúng tôi được hỗ trợ tập luyện, phục dựng lại những làn điệu dân ca và tham gia ngày càng nhiều tại các cuộc thi, lễ hội lớn, nhỏ. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca truyền thống…”, nghệ nhân Hồ Văn Tiêu cho hay.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hồ Văn Thắng cho biết, địa phương đã thành lập được 10 đội văn nghệ truyền thống tại các bản, đặc biệt các đội văn nghệ ở đây được đầu tư mua sắm trang phục và đạo cụ; là nơi hội tụ các hạt nhân tiêu biểu, xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều…
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Huyện Lệ Thủy sở hữu 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc trưng của địa phương, bởi vậy, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình thông tin, trong xu thế cơ chế thị trường, thời đại bùng nổ thông tin khiến nhiều người không còn “mặn mà” với những câu hò, loại hình nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, địa phương đang nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc khuyến khích phát triển, thành lập các CLB văn nghệ dân gian, như: CLB hò khoan tại các xã, thị trấn; CLB chúng em với làn điệu hò khoan trong các trường học…
Huyện Lệ Thủy cũng đang tập trung ưu tiên gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều, trong đó, chú trọng đến việc phục dựng các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca; tập huấn, trao truyền các giá trị văn hóa; quan tâm đội ngũ nghệ nhân, già làng, những người lưu giữ văn hóa truyền thống; rà soát, liệt kê các nghệ nhân có đóng góp tích cực về văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều để đề nghị công nhận Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú…
“Thực tế cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, như: Đội ngũ NNDG đa số đã lớn tuổi, việc đào tạo đội ngũ kế cận chưa được chú trọng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở còn thiếu; chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân, người làm công tác trao truyền văn hóa còn thấp…”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy chia sẻ.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.