Văn hóa

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán

LV 30/11/2023 - 12:50

Huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh được coi là cửa ngõ, ngã ba, nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc Đông Bắc Việt Nam. Trong những năm qua, chính quyền huyện Tiên Yên đã quan tâm, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong đó có trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán.

Người Dao Thanh Phán sinh sống tập trung ở hai huyện Đầm Hà và huyện Tiên Yên của tỉnh Quảng Ninh. Từ xa xưa, người Dao Thanh Phán đã có quy định, các thiếu nữ khi đến tuổi lấy chồng thì phải tự may được trang phục truyền thống, nếu không thì không được phép lấy chồng. Do vậy, nghề thêu may được người phụ nữ Dao Thanh Phán rất coi trọng. Từ nhỏ, nhiều bé gái đã được các bà, các mẹ dạy cho từng đường kim, mũi chỉ để thêu thùa, may vá.

398-202311301145221.jpg
Phụ nữ Dao Thanh Phán tranh thủ những lúc nông nhàn thêu trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình

Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Thanh Phán rất cầu kỳ bao gồm nhiều: Áo, quần, đai, mũ, khăn. Trước đây để có vải và chỉ thêu may, tổ tiên người Dao thường vào rừng để tìm kiếm một số loại cây, tách lấy vỏ, phơi khô rồi kéo thành sợ, dệt nên những mảnh vải thô để làm trang phục. Sau này họ biết trồng cây bông, lấy bông để kéo sợi dệt vải. Ngày nay, do tác động của cuộc sống hiện đại, nghề trồng bông kéo sợi, dệt vải thủ công đem lại hiệu quả kinh tế không cao, thế nên để đáp ứng nhu cầu may mặc, người Dao Thanh Phán thường dùng nông sản để đổi lấy vải đen và chỉ thêu của dân tộc khác rồi đem về may vá, thêu nên những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Văn hóa, họa tiết trên áo của người phụ nữ Dao Thanh Phán thường được thêu ở vạt áo trước ngực với bề rộng khoảng 10cm. Ống tay áo được nối hai mảnh đỏ trắng và những đường kẻ thẳng tạo nên sự tươi trẻ, khỏe khoắn cho trang phục, hoa văn ở quần được thêu ở vị trí dưới cùng của hai bên ống quần có độ dài khoảng 30cm. Đây cũng là vị trí được thêu với nhiều vị trí hoa văn nhất trên bộ trang phục của người Dao Thanh Phán. Thắt lưng là một dải vải màu trắng, bản rộng khoảng 5 đến 7cm thường được thêu hoa văn với nhiều họa tiết hài hòa.

30-11-2.png
Trang phục cô dâu của người Dao Thanh Phán

Ngày nay trang phục của người Dao Thanh Phán đã khác xưa, nếu như trước đây trang phục của người Dao Thanh Phán thường dùng chỉ màu đỏ và màu trắng, thì nay, hoa văn trên họa tiết trên trang phục của họ đã có thêm các màu vàng, đen, xanh, hồng, đỏ thẫm. Trước đây, tổ tiên người Dao Thanh Phán chỉ coi trọng màu đỏ và màu trắng vì họ quan niệm rằng, màu đỏ tượng trưng cho lửa, màu trắng tượng trưng cho nước, lửa và nước tuy xung khắc với nhau nhưng tạo nên sự sống. Nơi nào có lửa và nước, nơi ấy có sự sống của con người. Vì thế, họ mặc những bộ trang phục với màu sắc chủ đạo là đỏ và trắng, biểu tượng cho sự thịnh vượng và sự trường tồn của dân tộc mình. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện các loại chỉ thêu có màu sắc khác nhau, thì màu sắc chủ đạo trên trang phục của họ cũng đã thay đổi chỉ có màu đỏ và màu đen.

Bà Dương Thị Hoài, ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh cho hay, trước kia tổ tiên mặc như thế này, ngày nay, con cháu cũng phải mặc giống như thế. Ngày trước mũ đội đầu được làm thấp thôi, bây giờ cái mũ được làm cao hơn và được làm từ vải khung nên mũ cũng đẹp hơn, đội lên đầu nhẹ chứ không nặng, trước kia mũ nặng không được đẹp như bây giờ.

Họa tiết trên trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán được lấy ý tưởng từ núi rừng, thiên nhiên để tạo hình. Trong sản xuất, lao động, người Dao hay gặp cỏ cây, hoa lá, sông suối, ao hồ, muông thú, họ đã chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất để thêu dệt nên những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thế nên, bộ trang phục truyền thống được thể hiện rõ nét nhất và thẩm mỹ quan của người Dao Thanh Phán.

Các mảng thêu trên trang phục của người Dao thường được thể hiện bằng 3 dạng hoa văn mang triết lý Không gian sinh tồn. Dạng thứ nhất gồm: Đồi núi, rừng cây; dạng thứ hai là cỏ cây, hoa lá, rau quả; dạng thứ ba là công cụ lao động sản xuất. Đây là loại hoa văn đòi hỏi sự sáng tạo, trí tưởng tượng cũng như kỹ năng, tay nghề của người thêu. Bởi lẽ dạng hoa văn thứ nhất và thứ ba thường bất di bất dịch không thay đổi, có thể nói đó là theo khuôn mẫu có sẵn. Còn dạng hoa văn này luôn thay đổi tùy theo kinh nghiệm sống và trí tưởng tượng của người thêu và tiếp nữa là những đường viền có hình mắt cáo. Đây được coi như những hàng rào bao quanh bảo vệ bản làng. Cả ba mảng khối này tạo nên không gian sống của người Dao Thanh Phán.

Điều đặc biệt ở trang phục của người Dao Thanh Phán là ở chiếc mũ đội trên đầu của người phụ nữ Dao. Theo phong tục của người Dao, người phụ nữ sau ngày cưới sẽ phải cắt tóc ngắn, đội mũ lên đầu, tóc càng ngắn càng thể hiện đức hạnh và sự thủy chung của người phụ nữ đối với chồng. Những cô gái chưa lấy chồng thì không đội mũ nhưng họ sẽ vấn khăn chứ không để đầu trần. Trong trường hợp vì một lý do nào đó không may, người chồng qua đời thì người phụ nữ không được bỏ mũ để đi lấy chồng. Muốn tái giá, người phụ nữ đó phải làm lễ trình làng để làng xác minh, chứng thực, sau 3 năm mới cho phép đàn ông tiếp cận, tìm hiểu và kết hôn với người phụ nữ đó.

Chị Dương Thị Phượng ở xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên chia sẻ: Tôi phải học mấy năm mới biết thêu, thêu bằng được cái mũ đẹp nhất, có mũ đẹp mới lấy được chồng, không có mũ đẹp không lấy được chồng. Sau đó còn phải thêu quần áo cho chồng nữa, Tuy nhiên, quần áo của chồng thì không thêu giống như của phụ nữ, không thêu hoa văn, chỉ thêu đường viền thôi, còn lại là màu đen.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Truyền thông và Văn hóa huyện Tiên Yên cho biết: Trang phục truyền thống của người Dao Thanh Phán ở Quảng Ninh có hoa văn thêu rất tinh tế, thể hiện đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Dao. Đây cũng là sản phẩm thủ công đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay, đặc biệt là du khách khi đến thăm vùng đất Tiên Yên, ai cũng mong muốn được mặc trên người bộ quần áo của người Dao Thanh Phán bởi nét đẹp, độc đáo trong trang phục truyền thống đó. Trải qua thời gian họ biết chắt lọc, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa thể hiện sự tinh túy nhất của dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO