Gương sáng

Gieo chữ giữa sương mây

T.Thành 20/11/2023 06:58

Mỗi dịp 20/11, trong khi các thầy cô giáo miền xuôi áo váy xênh xang, hội hè, chúc tụng, thì ở đâu đó nơi miền rừng khuất nẻo, vẫn còn rất nhiều những thầy, những cô phải cặm cụi vượt núi, băng rừng đến từng nhà vận động học trò đến lớp. Bằng tất cả sự nhiệt thành, họ đã và đang hàng ngày, hàng giờ mang ngọn lửa tri thức thắp sáng vùng cao.

Cắm bản lâu ngày, con không nhận mẹ

Cách đây vài năm, khi mới nhận quyết định về điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu công tác, ngoái nhìn về bốn phía đều thấy núi rừng vây bủa, cô giáo Khoàng Hà Pơ đã khóc. Khóc liền tù tì một tuần liền. Bản xa quá, heo hút quá, từ huyện vào tới mấy chục cây số, đường nhựa lõm bõm vài đoạn, còn lại toàn là đường mòn treo trên miệng vực, sóng điện thoại thì lúc có lúc không. Pơ gần như sống tách biệt với thế giới bên ngoài.

Bản nhỏ chỉ có chưa đến 2 chục nóc nhà, 100% là người Mông. Học trò của Pơ hầu như em nào cũng khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Mấy ngày đầu, công việc đầu tiên của Pơ là tắm rửa, chải đầu, vệ sinh và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen dùng tay quệt mũi. “Chăm trò như chăm con” như thế nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò của Pơ đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng 3 em. Nhiều em đến trường còn phải địu theo cả em để vừa học vừa trông. Mỗi lần đứa bé trong địu khóc là cả lớp lại nháo nhào như vỡ chợ…

anh-bai-gieo-chu-giua-suong-may-1.jpg
Cô giáo Khoàng Hà Pơ: “Nhiều khi em về, con gái còn không theo”

Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Pơ là điểm danh xem lớp có vắng hay không, học sinh nào bỏ học. Nhất là những hôm trời mưa, đám trẻ núi đua nhau nghỉ học, lớp trống trải, vắng hoe. Không nản chí, Pơ hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học.

Thấy cô giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần “hợp tác”. Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c. Con chữ cứ thế thầm dần vào bọn trẻ. Chừng hơn một tháng, học trò bám Pơ hơn bố mẹ, cô không còn phải tới từng nhà vận động….

Pơ kể: “Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, gần như không thể đi được xe, chỉ có thế “cuốc bộ”. Ở đây, em không chỉ phải dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà thỉnh thoảng còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc…”.

Đời sống của đồng bào ở Huổi Lính còn thiếu thốn trăm bề. Bố mẹ nghèo nên con cũng khổ, nhiều em đến lớp còn phải mặc quần áo rách, chân trần lem luốc. “Mùa đông ở đây lạnh lắm, lại nhiều gió nữa. Do ở đỉnh núi mà. Thiếu quần thiếu áo, nhiều em vừa ngồi trong lớp vừa run. Nhìn học trò của mình như vậy, nhiều khi em không cầm được nước mắt”, Pơ tâm sự.

Cái mặc đã vậy, đám học trò của Pơ thiếu cả cái ăn. Chúng đã quá quen với những bữa cơm “thiếu thịt, thừa khoai sắn”. Cứ mỗi tuần vài lần, Pơ lại lại lặn lội vào rừng hái nấm, tìm măng. Măng này không phải để mình cô dùng, cũng không phải để bán mà để làm thức ăn cho các học trò.

anh-bai-gieo-chu-giua-suong-may-2.jpg
Cô Pơ tranh thủ làm đồ chơi cho lớp

Pơ bảo: “Ở đây việc quan trọng trước tiên đối với cô giáo là làm cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông. Để các em thường xuyên đến lớp, em chỉ có một phần công sức thôi, chứ đó là công sức của nhiều lớp thầy cô giáo đi trước đã bám trường, bám bản vận động người dân. Giờ chả cứ ở Huổi Lính mà ở bản nào thì các bậc phụ huynh cũng đều có nguyện vọng cho con đi học. Chẳng qua là do điều kiện kinh tế khó khăn nên đôi khi sự quan tâm của họ đối với chữ nghĩa nó cũng giảm bớt”.

Học trò không bỏ học, chịu khó đến lớp cũng phần nào giúp Pơ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ con. Mấy năm gắn bó với Huổi Lính, Pơ đếm không biết bao nhiêu lần nước mắt chan cơm vì cảm giác cô quạnh giữa núi rừng và thèm có tiếng nói của người thân. Cuộc sống một mình, một bát, một mâm, dẫu thức ăn có là sơn hào hải vị, dù cho có ngon đến mấy thì cũng rất khó để nuốt trôi.

“Cứ mỗi lần nhìn học trò là em lại nhớ con. Đêm càng nhớ. Cứ lẩn thẩn nghĩ không biết giờ này con gái đang làm gì, ai bế, ai trông nom, khóc hay cười. Lúc em lên đây công tác, cháu mới được tròn 6 tháng. Vất vả mãi mới cai sữa được. Cai xong là em đi. Việc chăm sóc con đều nhờ cậy vào chồng và bố mẹ. Cũng tội cho cháu, ngần ấy tuổi mà mỗi năm chỉ được gặp mẹ vài lần, vào hè với Tết. Có lần em về, con bé nhất định không theo. Cả mẹ và con đều khóc”, Pơ kể.

Mỗi lần “con không nhận mẹ” là mỗi lần Pơ tức tưởi, rưng rưng. Có những lúc tủi phận, thương con, cô đã nghĩ hay là mình về thôi, không cố nữa. Thế nhưng nghĩ đến tấm lòng, niềm tin, hy vọng mà đồng bào gửi gắm cho mình, nghĩ đến lá đơn nguệch ngoạc mà dân bản Huổi Lính gửi Ban Giám hiệu xin cô ở lại, Pơ không đành lòng buông bỏ. Cô lại tiếp tục bám trường, bám lớp.

“Bốn cùng” với đồng bào

Một giáo viên miền xuôi đời sống vốn đã khó khăn nhưng có lẽ chẳng thấm vào đâu so những vất vả mà các giáo viên vùng cao, vùng hải đảo đang trải qua. Không chỉ công tác trên địa bàn mới, xa nhà, xa gia đình, mà ở nhiều nơi, họ vừa dạy trẻ em tiếng Việt lại vừa phải học tiếng của bà con địa phương; làm tốt công tác vận động bà con dựng trường, đưa trẻ đến trường. Họ cũng luôn phải tìm tòi phương pháp dạy học hiệu quả hơn, phù hợp hơn với đặc điểm của học sinh vùng cao.

Theo cô Huyền, một giáo viên ở Huổi Chạ (Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên), trong những khó khăn mà các giáo viên vùng cao thường xuyên phải đối mặt như cơ sở vật chất thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về phong tục tập quán, thì việc vận động học sinh đến lớp và “giữ” được các em không bỏ lớp là vất vả nhất. Vì đói nghèo, vì xa xôi cách trở, vì phải ở nhà trông em..., có trăm ngàn lý do để những đứa trẻ Mông, Dao Tày, Thái từ chối hoặc chểnh mảng chuyện học hành.

anh-bai-gieo-chu-giua-suong-may-3.jpg
Bữa cơm đạm bạc của cô giáo Khoàng Hà Pơ

Đó là chưa kể, cứ mỗi khi mùa vụ đến, học sinh thường ở nhà lên rẫy và không trở lại trường nữa. Bởi, nhiều người vẫn nhận thức rằng: “Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ thôi…”, hoặc: “Con gái chỉ cần biết thêu thùa, dệt vải, biết ủ ngô nấu rượu là tốt rồi. Học cái chữ cũng có no cái bụng được đâu?!”. Lối tư duy ấy, đã và đang đè nặng trên núi cao.

Bên cạnh đó, nạn tảo hôn cũng góp một phần làm suy giảm sĩ số của các lớp học vùng cao. Cá biệt có những em mới đang học lớp 8, lớp 9 đã nhất nhất đòi nghỉ để lấy chồng. Thầy cô lại phải băng rừng vượt suối đi vận động các gia đình không dựng vợ gả chồng cho con sớm.

Với sự mộc mạc, hồn nhiên nhất của dân tộc mình, nhiều cô cậu học trò nghĩ việc thích nhau, cưới nhau chẳng liên quan gì đến… việc học cả! Và, chuyện vận động các em quay lại học tiếp còn “khó hơn cả leo hàng trăm ngọn núi”. Đó là chưa kể đến chuyện sau này sinh con đẻ cái, rồi miếng cơm manh áo ghì sát đất, cuộc sống của những đôi vợ chồng trẻ như thế này rất khó để thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, tăm tối.

Ở vùng đất biên viễn này, không ai biết được chính xác phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm có tự bao giờ. Đồng thời, họ cũng không hề biết Luật Hôn nhân - Gia đình ra sao, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình thế nào, bởi tập tục tảo hôn đã ăn sâu trong suy nghĩ của đồng bào đã quá lâu rồi. Thế nên, cứ đời nọ nối đời kia, con gái bản Mông mới thấc lên, chưa kịp làm dáng trước ánh mắt đàn ông đã vội vàng làm vợ.

anh-bai-gieo-chu-giua-suong-may-4.jpg
Để học chữ, thầy và trò ở vùng cao phải cố gắng rất nhiều

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học và cũng để cố gắng hạn chế nạn tảo hôn, cùng với chính quyền, đoàn thể, các thầy cô giáo cắm bản ngoài việc dạy chữ còn kiêm luôn cả việc tuyên truyền, vận động.

Nhiều thầy cô cắm bản bảo, nếu như ở miền xuôi, mỗi giáo viên chủ yếu tập trung vào chuyên môn, còn ở vùng cao, để dạy được tốt, các thầy cô không chỉ “ba cùng” mà phải “bốn cùng” với đồng bào. Tức là cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ ngôn ngữ.

Cứ thế, tháng này qua năm khác và dẫu phải đối mặt với trăm ngàn thiếu khó, những người trẻ như Pơ, như Nguyệt và rất nhiều thầy cô khác nữa, họ đã và đang cần mẫn góp phần công sức của mình để cái chữ dần “sâu rễ bền gốc” trên núi cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO