Bản sắc văn hóa

Giếng làng ngày ấy, bây giờ

Vĩnh Linh 08/01/2024 - 08:16

“Đầu làng có cái giếng khơi/Bốn mùa trong mát cứ vơi lại đầy/Quanh năm đồng ruộng cấy cầy/Nắng mưa in dấu những ngày ấu thơ” - bài thơ “Giếng làng” của nhà thơ Đặng Vương Hưng.

Giếng làng xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân quê. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn. Vì vậy, giếng làng được người dân quê đặc biệt coi trọng và luôn giữ gìn sạch sẽ.

Tuổi thơ chúng tôi lớn lên bên giếng làng bốn mùa nước trong xanh, ngọt mát. Không biết trước khi đào giếng các cụ cao niên trong làng ngày trước đã họp bàn, nghiên cứu, xem xét, mời thầy về “tìm” vị trí đào giếng như thế nào, chỉ biết, giếng làng khi đào và xây xong lúc nào nước cũng trong sạch, mát lành. Mùa mưa nước đầy ăm ắp. Mùa khô giếng cũng không bao giờ cạn trơ đáy, cứ múc vơi lại đầy.

Là nơi chứa nguồn nước sạch chính phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân quê, vì vậy từ sớm tới khuya gần như lúc nào bên giếng cũng có người tới lấy nước. Người tranh thủ lúc sáng sớm, người tranh thủ buổi trưa, có người lại tranh thủ lúc chiều hoặc tối muộn mới ra giếng gánh nước.

Ông tôi kể, thời ông còn nhỏ, gầu múc nước giếng được đan bằng tre, buộc dây thừng. Tuổi thơ chúng tôi lớn lên chiếc gầu múc nước bằng tre đã được thay bằng chiếc gầu làm bằng tôn chắc chắn, dây buộc vẫn bằng thừng chắc chắn. Hằng ngày, chúng tôi quen với hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tảo tần múc nước gánh từ giếng về nhà đổ vào những chiếc chum sành to để dùng dần. Đôi thùng đầy nước sóng sánh, hai đầu đòn gánh nặng trĩu, những bước chân vội vã bước nhanh, bước nhanh...

Gánh nước vất vả, nhiều nhà cách xa cả đoạn đường dài, vì vậy nước giếng gánh về các nhà thường dành để đun nước uống và nấu ăn. Còn rửa rau, vo gạo, tắm, giặt... chủ yếu dùng nước ao. Mùa hè, ban ngày bận công việc đồng áng, tối đến, vào những đêm trăng thanh, gió mát, mọi người ra giếng gánh nước rất đông. Ở nhà nóng bức, nghe tiếng mẹ lấy thùng đi gánh nước, lũ trẻ chúng tôi cũng vội theo chân mẹ ra giếng chơi.

Bên giếng làng, mọi người múc giúp nhau thùng nước; tâm sự những chuyện vui buồn trong cuộc sống hằng ngày. Trong lúc chờ người lớn gánh nước đầy vại, đầy chum, lũ trẻ chúng tôi tụ lại cùng nhau chơi đùa. Tuổi thơ vô lo nghĩ, chẳng mấy đứa để ý đến nỗi vất vả, cực nhọc của bà, của mẹ, chỉ mải hò hét, cười đùa. Đến khuya, người nhà ra gọi vẫn chẳng muốn về.

snapedit_1704676359415.jpg
Ngày nay, nhiều giếng làng được xây dựng và tôn tạo lại góp phần làm đẹp cảnh sắc làng quê. Ảnh: Thanh Châu

“Giếng làng là giếng làng ơi!/Cho ta nhớ lại một thời chưa xa...” - bài thơ Giếng làng của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Ngày nay, ở các miền quê, người dân không còn phải vất vả đi gánh nước giếng về dùng như trước. Nước máy đã vào tận sân, tận bể, tận bếp; sạch sẽ và tiện lợi. Tuy nước giếng không còn được sử dụng như trước, nhưng những năm qua, người dân ở khắp các vùng quê đã cùng đoàn kết, chung sức, đồng thuận trong việc trùng tu, tôn tạo lại giếng làng với mong muốn khôi phục, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của làng quê trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Người góp công, người góp của... giếng làng được đầu tư xây dựng và tu sửa lại không chỉ làm đẹp cảnh sắc đặc trưng của làng quê, tạo nguồn sinh khí tốt lành mà còn nhắc nhở các thế hệ mai sau về vai trò và tầm quan trọng của giếng làng – nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm, là mạch nguồn sự sống suốt thời cha ông thuở trước.

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời gian, giếng làng gần gũi và thân thương vẫn sẽ còn mãi với người dân, với các làng quê hôm nay và mai sau.

Theo Báo Hà Nam
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
65 năm Bộ đội Trường Sơn huyền thoại
65 năm trước, ngày 19/5/1959, Quân ủy Trung ương và Bác Hồ đã quyết định chính thức thành lập và giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt”- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền nam. Vì nhiệm vụ bí mật và khó khăn, gian khổ không kể siết, hoạt động của Đoàn 559 luôn trong điều kiện “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO