Xã hội

Giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

D. Thảo 25/11/2023 - 15:24

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Kim chỉ nam về an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là Chỉ thị đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, là kim chỉ nam xuyên suốt định hướng cho công tác an toàn vệ sinh lao động ở các cấp.

capture2.png
Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị là một trong những nội dung quan trọng nhằm hoàn thiện Đề án tổng kết Chỉ thị 29. Đề án là cơ sở chính trị quan trọng để tham mưu cho Ban Bí thư đưa ra chủ trương, quan điểm chỉ đạo và định hướng lớn về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới góp phần định hướng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 29, một trong những thành tựu nổi bật đó là sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Những chủ trương lớn của Đảng đã từng bước được cụ thể hóa, hệ thống chính sách pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động được các ngành, lĩnh vực xây dựng, tham mưu hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với các điều ước, công ước, tiêu chuẩn quốc tế...

Hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quốc hội đã thông qua 2 bộ Luật, 2 Luật liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, trong đó năm 2015, Quốc hội thông qua Luật an toàn vệ sinh lao động. Luật an toàn vệ sinh lao động thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, đồng thời mở rộng sang cả khu vực đối với người không có quan hệ lao động.

Từ năm 2013 đến 2023, Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định (trong đó có 8 Nghị định liên quan đến an toàn lao động trong các lĩnh vực đặc thù), các Bộ ban hành 135 Thông tư (trong đó có 30 Thông tư liên quan đến an toàn lao động trong lĩnh vực đặc thù). Các địa phương đã ban hành Nghị quyết và các quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với điều kiện thực tiễn.

an-toan-lao-dong-thumb.jpeg
Cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động

Mỗi năm, các bộ, ngành Trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khoảng trên 10.000 lớp, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã tổ chức lớp trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động không có quan hệ lao động.Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn, vệ sinh viên.

Từ năm 2013 đến nay, cấp Trung ương đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn…

Tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa coi công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn lực đầu tư cho công tác an toàn, vệ sinh lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều người lao động còn chủ quan, lơ là;…

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… công tác an toàn vệ sinh lao động đòi hỏi nắm bắt được cơ hội thay đổi công nghệ nhưng cũng phải chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, cập nhật phù hợp với các công ước, điều ước, tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng người lao động có kỹ năng lao động, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động theo xu hướng công nghiệp hiện đại để thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Hà Tất Thắng cho biết: Mục tiêu trong thời gian tới là phấn đấu giảm tần suất tai nạn lao động chết người trung bình hằng năm 4%; tăng số người được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp trung bình hằng năm thêm 5%; chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn; nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động…

Để đạt mục tiêu đề ra cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò giám; Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao chất lượng đơn vị tham mưu về công tác an toàn vệ sinh lao động ở các cấp, các ngành...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO