Triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), trong 2 năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định
Thành lập nhiều tổ truyền thông tại cộng đồng
Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền về nội dung của Dự án 8 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp từng nhóm phụ nữ và đặc thù của các địa phương, đơn vị. Trong đó, các cấp Hội đã linh hoạt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động truyền thông tại cơ sở thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp và xuất bản các ấn phẩm truyền thông như: Duy trì hoạt động thường xuyên của Trang thông tin điện tử; Facebook, Zalo do Hội LHPN các cấp thiết lập và quản lý; biên soạn và phát hành tờ Thông tin phụ nữ định kỳ hằng quý (1.000 cuốn/quý).
Đồng thời, các cấp Hội đã tổ chức 66 lớp tập huấn triển khai mô hình "Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi"; hướng dẫn triển khai 4 gói chính sách hỗ trợ Phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại 10 huyện, thành phố.
Đến nay, các cấp Hội LHPN đã thành lập 269 tổ truyền thông tại cộng đồng, bình quân mỗi tổ có 5 - 7 thành viên tham gia và tổ chức 388 đợt chiến dịch truyền thông, có hơn 10.500 hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia. Tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng thương hiệu, đăng ký sản phẩm đạt các tiêu chuẩn theo quy định, hỗ trợ tham gia sàn giao dịch điện tử, kết nối đầu ra cho sản phẩm. Tổ chức 5 lớp tập huấn về hướng dẫn thành lập mô hình kinh tế tập thể, kiến thức cơ bản về OCOP. 5/10 huyện, thành phố thành lập 30 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi"…
Với việc triển khai kịp thời các nội dung của Dự án 8, thuộc Chương trình MTQG 1719 đã tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là phụ nữ DTTS tiếp cận, cập nhật thông tin kịp thời, thường xuyên về nội dung của các chương trình, mô hình hay cách làm hiệu quả của cá nhân, tập thể để học tập và làm theo; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, tham gia thực hiện các chỉ tiêu của dự án theo kế hoạch đã đề ra giai đoạn 2021 - 2025.
Tổ chức Hội thi truyền thông
Nhằm thực hiện hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã tổ chức Hội thi truyền thông về “Xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em” năm 2023.
Tham gia Hội thi có 11 đội đến từ 11 xã trên địa bàn huyện. Mỗi đội có trên 10 người, là thành viên của các Tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, làng. Các đội phải trải qua 3 phần thi bắt buộc dưới hình thức sân khấu hóa, gồm: Phần thi chào hỏi, phần thi thuyết trình và phần thi tiểu phẩm.
Trong phần thi thuyết trình, mỗi đội tự chọn chủ đề với nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; nạn buôn bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em; công tác bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa; hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Đối với phần thi tiểu phẩm, các đội thi trình bày tiểu phẩm với nội dung truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và mỗi gia đình trong công tác xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu, những tập tục có hại, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Huyện Tu Mơ Rông có gần 100% là đồng bào Xơ Đăng sinh sống. Qua hội thi nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến giới, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn huyện.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các mô hình truyền thông trên địa bàn huyện được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của các mô hình trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.