Kinh tế

Giảm nghèo trên quê hương “đất lửa” Quảng Trị

Nghĩa Văn 12/01/2024 - 10:22

Tỉnh Quảng Trị đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm tạo điều kiện cho các hộ đầu tư kinh doanh, buôn bán, sản xuất để có cơ sở thoát nghèo bền vững.

Theo kết quả phê duyệt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của UBND tỉnh Quảng Trị, đến cuối năm 2023, tại địa phương có 23.967 hộ nghèo, cận nghèo (13,16%, giảm 1,77% so với cuối năm 2022). Trong đó, có 14.040 hộ nghèo (7,71%, giảm 1,43% so với cuối năm 2022) và 9.927 hộ cận nghèo (5,45%, giảm 0,34% so với cuối năm 2022).

bai-chihh.jpg
Một gia đình thuộc diện hộ nghèo tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) được hỗ trợ nhà ở. Ảnh: Nghĩa Văn.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Đakrông; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng giảm so với năm 2022.

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội hướng tới mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh Quảng Trị đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự hưởng ứng tích cực của cả xã hội; ban hành nhiều cơ chế, chính sách về giảm nghèo để hỗ trợ cho người nghèo; đồng thời quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập cho người nghèo.

Trong đó, năm 2022 và 2023, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững huy động được 462.907 triệu đồng (từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương); các huyện có đồng bào DTTS và miền núi được phân bổ 292.701 triệu đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Trung ương phân bổ 669,920 tỷ đồng. Từ nguồn vốn thực hiện 2 chương trình và nguồn huy động hợp pháp khác, các địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng 361 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội các loại trên địa bàn các huyện có đồng bào DTTS đảm bảo tính kết nối về giao thông, kinh tế, xã hội để hỗ trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tại huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với đó, các địa phương đã ưu tiên triển khai các hoạt động ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; dạy nghề gắn với việc làm bền vững; hỗ trợ đất ở, nhà ở… nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS và miền núi có sinh kế tốt, có việc làm bền vững nâng cao thu nhập vượt qua ngưỡng thu nhập tối thiểu.

Cụ thể, trong 2 năm qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho người nghèo với số tiền 121,317 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo với số tiền 159,937 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo điều kiện, chính sách thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện hộ nghèo; đồng thời tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm, thực hiện hỗ trợ các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ cho người nghèo được tham gia đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài với số tiền 68,256 tỷ đồng… Nhờ đó, nhiều lao động thuộc diện nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.

Tỉnh đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo đầu tư kinh doanh, buôn bán, sản xuất để có cơ sở thoát nghèo bền vững. Trong đó, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tham gia tích cực trong việc tuyên truyền và hướng dẫn đoàn viên, hội viên quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; vận động hội viên giúp nhau phát triển kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp người nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục; triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo cũng được quan tâm chỉ đạo và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

“Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững. Linh hoạt lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay.

Theo ĐĐK
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO