Gương sáng

Gặp gỡ “cây đại thụ” của làng Kon Brăp Ju

Trang Trần 17/10/2023 - 19:40

Hỏi đến già làng A Jring Đeng, người dân làng Kon Brăp Ju (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) sẽ tự hào mà say sưa kể. Với họ, già làng A Jring Đeng chính là “cây đại thụ”, là người đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển văn hóa - xã hội tại địa phương, đặc biệt là về văn hóa dân gian, du lịch.

Chiếc cầu treo bắc qua sông Đăk Pne nhìn từ xa như chiếc võng mắc ngang giữa bạt ngàn cây cối, tạo thành nét chấm phá ấn tượng đẹp mê lòng người. Con đường đến nhà của nghệ nhân, già làng A Jring Đeng (SN 1953, làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) nay cũng đã được “bê tông hóa” sạch đẹp. Chính sự đan xen đa dạng giữa mới - cũ, hiện đại và truyền thống đã khiến những người phương xa như chúng tôi không ngớt trầm trồ.

Mấy năm gần đây làng Kon Brăp Ju đã đông vui hơn hẳn, khách du lịch cũng vì “tiếng tăm” đồn xa mà tìm đến, họ vui thú với cảnh rừng núi và đắm chìm với những nét văn hóa đặc thù nơi đây. Đặc biệt hơn, đến với Kon Brăp Ju sẽ được giao lưu với nghệ nhân- những người đã “giữ lửa” văn hóa dân tộc, để biết thêm, để hiểu hơn về những nét đẹp truyền thống mà nếu như không một lần tận mắt “mục sở thị” thì khó lòng cảm nhận được hết.

nghenhan-a-jring-deng-2.jpg
Nghệ nhân A Jring Đeng giới thiệu về bộ chiêng mới

Căn nhà sàn của nghệ nhân A Jring Đeng được thiết kế nhỏ gọn, đẹp mắt với một khoảng sân rộng rãi. Chén nước trên bàn khói bay nghi ngút, mùi lá cây rừng theo đó tỏa ra thơm phức, nghệ nhân A Jring Đeng vui mừng mời khách dưới xuôi lên thăm. Ông chia sẻ, “Mấy hôm rồi đôi chân bị đau nên việc đi lại có phần khó khăn, phần lớn chỉ lui tới trong nhà không đi đâu xa được. Nay nhà có khách, vui cái bụng…”. Nói đoạn, nghệ nhân A Jring Đeng lại nụ cười hồn hậu, đưa tay châm thêm nước vào chén.

Ở làng Kon Brăp Ju, nghệ nhân A Jring Đeng từ lâu đã nổi tiếng là “cây đại thụ” bởi những đóng góp trong phát triển văn hóa – xã hội tại địa phương, đặc biệt là về văn hóa dân gian, du lịch. Với những việc làm của mình, ông vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành và vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực phi vật thể, cồng chiêng vào năm 2018.

nghenhan-a-jring-deng-3.jpg
Không chỉ chơi chiêng giỏi, nghệ nhân A Jring Đeng còn thạo cảo đàn Ting Ning

Căn nhà sàn của nghệ nhân A Jring Đeng được bày biện rất ngăn nắp, xung quanh treo một số nhạc cụ ông thường xuyên chơi như đàn Ting Ning, Kơ Ni. Ông cho biết hiện cả làng có tổng cộng 17 bộ chiêng quý, trong đó 1 bộ vừa được huyện tặng đang được ông bảo quản để chỉnh âm, kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng.

Được biết, sau nhiều năm làm cán bộ lãnh đạo xã Tân Lập, năm 2004, ông A Jring Đeng nghỉ hưu. Về địa phương sinh sống, ông tiếp tục với vai trò là Bí thư, già làng, Chi hội trưởng Người cao tuổi... và có nhiều đóng góp cho sự đổi mới của thôn như hôm nay. Cũng vì lẽ đó, ông nhận được sự nhiệm, yêu quý của bà con.

Ông A Jring Đeng chia sẻ, thực ra khi về già ai cũng muốn được nghỉ ngơi, được đi đây đi đó để có thêm niềm vui nhưng vì cái tình, cái nghĩa với bà con, làng xóm quá lớn nên ông “gác” lại tất cả để phục vụ bà con, lối xóm. Ông nói chắc nịch “Còn sức sẽ còn cống hiến”.

Theo hướng tay chỉ, gian nhà bên cạnh của ông A Jring Đeng là nơi cất giữ bộ cồng chiêng mới. Vừa giới thiệu với chúng tôi, ông vừa thao tác thử một vài chiếc chiêng cho chúng tôi nghe. Tiếng chiêng vừa dứt, ông liền nói, thiết kế của bộ chiêng này khá đẹp mắt, tuy nhiên chất liệu cũng đã bị pha tạp nhiều, không còn là đồng nguyên chất nên âm chưa được ấm và hay. Để khắc phục nhược điểm này, ông đang cùng các nghệ nhân, già làng chỉnh chiêng khác phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng.

Được biết, ngoài việc được công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực cồng chiêng, ông A Jring Đeng còn biết đàn, đan lát, am hiểu kiến thức về sử thi Ba Na... Riêng về niềm đam mê cồng chiêng, ông cho hay từ nhỏ theo cha, đi khắp các lễ hội lớn nhỏ, những âm thanh cồng chiêng dường như đã ăn vào máu từ tuổi thơ, vì vậy khả năng chơi chiêng cũng từ đó mà đến một cách tự nhiên, không quá tốn công học hỏi.

“Có được kết quả đó là do tôi có một niềm say mê mãnh liệt với âm nhạc, nghệ thuật. Đến hiện tại, để truyền dạy cho các em nhỏ, tôi cũng luôn chú trọng truyền sự nhiệt huyết, đam mê cho các em trong lúc học để tăng hiệu quả”, ông A Jring Đeng nói.

Nói thêm về “hành trình truyền nghề” của mình, ánh mắt ông A Jring Đeng không giấu được niềm vui, ông chia sẻ: “Hiện nay, các em nhỏ tại làng được học 2 buổi/tuần do tôi cùng các nghệ nhân cồng chiêng cốt cán của làng chỉ dạy thông qua mô hình hỗ trợ tự giúp nhau truyền dạy cồng chiêng tại làng. Bên cạnh đó, làng Kon Brăp Ju thực hiện tốt việc gìn giữ và bảo quản cồng chiêng với 17 bộ cồng chiêng quý, đồng thời duy trì đội chiêng, múa xoang gần 25 người thường xuyên tham gia biểu diễn tại các lễ hội lớn nhỏ”.

nghenhan-a-jring-deng-4.jpg
Nghệ nhân A Jring Đeng mong rằng lớp trẻ trong làng sẽ có thể giữ mãi nhiệt huyết, niềm đam mê với truyền thống của dân tộc Ba Na

Nói về già làng A Jring Đeng, ông Phạm Văn Đừng – Thôn trưởng thôn Kon Brăp Ju cho biết: “Mặc dù ông A Jring Đeng nay tuổi đã cao nhưng vẫn luôn nhiệt huyết, tận tâm với thôn làng bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là trong phong trào văn hóa, du lịch, tập luyện cồng chiêng tại làng. Nhờ có ông ấy mà ý thức đoàn kết cộng đồng và tinh thần tự giác của bà con được nâng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Cũng theo lời ông Phạm Văn Đừng, hiện tại nghệ nhân A Jring Đeng còn là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Liên Thế hệ tự giúp nhau của thôn. Câu lạc bộ hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là văn hóa, văn nghệ - thể thao, hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động của người cao tuổi.

Dù trong lĩnh vực nào, nghệ nhân A Jring Đeng luôn quan tâm tới việc gắn kết các thành viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con, đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương.

Chúng tôi thật sự ấn tượng bởi nụ cười thâm tình của nghệ nhân A Jring Đeng lúc chia tay cùng tâm sự: “Nếu một ngày tôi không còn nữa, chỉ mong rằng lớp trẻ trong làng sẽ có thể giữ mãi nhiệt huyết, niềm đam mê với truyền thống của dân tộc Ba Na nơi đây”.

Chúng tôi cũng tin rằng, nét đẹp văn hóa truyền thống mà ông đã, đang cố công gầy dựng sẽ là tài sản vô giá mà thế hệ trẻ nâng niu, trân quý và làng Kon Brăp Ju sẽ ngày càng phát triển, ấm no.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO