Kinh tế

Gắn kinh tế rừng với bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Mạnh Hùng 10/05/2024 - 10:15

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững (PTRBV), huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã chú trọng công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới diện tích rừng. Từ định hướng đó, đời sống của một bộ phận người trồng rừng, sống gắn bó với rừng trên địa bàn huyện được nâng lên.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững (PTRBV), huyện Lương Sơn đã chú trọng công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới diện tích rừng. Từ định hướng đó, đời sống của một bộ phận người trồng rừng, sống gắn bó với rừng trên địa bàn huyện được nâng lên.

Hiệu quả từ kinh tế rừng

Xã Cao Sơn địa bàn chủ yếu là đồi núi nên đời sống của phần lớn người dân sống dựa vào rừng. Xác định đó là khó khăn nhưng cũng là lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo các xóm tập trung phát triển kinh tế rừng. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ rừng.

Không chỉ ở Cao Sơn, mà nhiều xã trên địa bàn huyện Lương Sơn nhờ vào rừng đời sống của nhiều hộ từng bước vươn lên thoát nghèo và khấm khá. Như gia đình anh Trần Văn Minh ở thôn Điếm Tổng, xã Liên Sơn từ chỗ còn nhiều khó khăn nhưng đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà chăn thả dưới tán rừng... đã đem lại hiệu quả kinh tế cao để từng bước vươn lên thoát nghèo.

dt_105202489_14699477959816.jpg
Một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn thực hiện hiệu quả việc liên kết với người dân phát triển rừng trồng và chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ rừng (Ảnh: Cơ sở chế biến lâm sản tại xóm Cột Bài, xã Cao Sơn).

Thực tế cho thấy, từ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và PTRBV, những năm gần đây, nhiều gia đình, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã đầu tư phát triển kinh tế dưới tán rừng một cách hiệu quả. Điển hình như ở thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn, từ việc duy trì phát triển bền vững 120ha rừng trồng cùng hàng chục ha rừng tái sinh tự nhiên, người dân đã đầu tư chăn thả đàn dê núi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng phát triển kinh tế nông, lâm bền vững, hiệu quả được huyện Lương Sơn khuyến khích nhân rộng và phát triển ở nhiều xã trong huyện.

Theo thống kê số liệu hiện trạng sử dụng đất, huyện Lương Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 36.480ha. Trong đó đất nông, lâm nghiệp chiếm 81,47%, đất phi nông nghiệp chiếm 16,2% diện tích tự nhiên. Theo đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương, những năm qua, công tác quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch đất nông nghiệp, quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Tính đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TU, ngày 06/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất rừng gắn với bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng bền vững”, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ rừng và làm giàu từ kinh tế rừng. Độ che phủ rừng trên toàn huyện giữ ổn định ở mức trên 42%. Từ năm 2019 - 2024, toàn huyện trồng được gần 4.000 ha rừng, chất lượng rừng ngày một tăng. 100% cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát theo phân cấp quản lý. Hiện tượng khai thác rừng non giảm dần; mô hình kinh doanh gỗ lớn dần được quan tâm phát triển.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững

Để PTRBV, huyện Lương Sơn làm tốt công tác bảo vệ rừng với sự phối hợp giữa 3 lực lượng kiểm lâm, quân sự và công an. Qua đó ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; hạn chế thấp nhất thiệt hại do phá rừng, cháy rừng gây ra. 100% diện tích rừng tự nhiên đã được các hộ, cộng đồng dân cư, UBND các xã, thị trấn quan tâm, bảo vệ, tích cực khoanh nuôi, tái sinh. Từ năm 2020 - 2024, toàn huyện có 5 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Các vụ vi phạm được xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm, có tính răn đe cao.

Để quản lý, bảo vệ và PTRBV, theo đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn, huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 53-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; quán triệt đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Tiếp tục bảo vệ, giữ vững ổn định và cải thiện chất lượng rừng tự nhiên, tăng năng suất và chất lượng rừng trồng theo hướng sản xuất gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu và giữ vững ổn định mức che phủ rừng 42%. Tăng cường giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các cấp và các ngành có liên quan; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Quản lý chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng; hạn chế tối đa chuyển đổi diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp sử dụng sang các mục đích khác ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và đời sống người dân...

Theo Báo Hòa Bình
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO