Phải chờ đợi đến dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm (21/4) để nhiều hoạt động khuyến khích đam mê đọc sách được triển khai trên địa bàn, có lẽ, không ít người dân TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn cảm thấy thiếu khi mong ngóng một không gian văn hóa đọc đúng nghĩa, chứ không gói gọn ở các phòng đọc trong bốn bức tường. Qua đó, văn hóa đọc sẽ thực sự trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên, góp phần phát triển, bồi đắp tri thức, nhân cách con người thành phố “Hoa hồng”.
Cuối tháng 3/2024, đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Trung tâm Dịch vụ và Quản lý bến xe khách (Sở Giao thông vận tải) tổ chức khai trương “Tủ sách thanh niên” ở bến xe Đồng Hới. Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Chi đoàn trung tâm cho biết, tháng 9/2023, chi đoàn triển khai thí điểm mô hình “Tủ sách thanh niên” ở bến xe TX. Ba Đồn với hơn 200 đầu sách và được hành khách yêu thích tìm đọc khi đợi xe.
Đặc biệt, nhiều thanh thiếu nhi chủ động đến đọc và mượn sách về nhà. Tiếp tục thực hiện mô hình, nhân Tháng Thanh niên năm 2024, chi đoàn khai trương tủ sách tại bến xe Đồng Hới với hơn 250 đầu sách. Chi đoàn kết hợp với Văn phòng thường trú Báo Thanh niên tại Quảng Bình để làm phong phú, đa dạng thêm đầu sách. Thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục lan tỏa đến bến xe Nam Lý (TP. Đồng Hới), bến xe Lệ Thủy…, góp phần mang lại không gian văn hóa đọc cho hành khách. Các đầu sách cũng sẽ được luân chuyển giữa các bến xe để hành khách có nhiều cơ hội tiếp cận sách.
Tuy mới mẻ, nhưng kỳ vọng “Tủ sách thanh niên” của Chi đoàn Trung tâm Dịch vụ và Quản lý bến xe khách sẽ mang lại không gian văn hóa đọc mới cho công chúng. Về lâu dài, chắc chắn sẽ cần có những đổi mới tích cực hơn để không gian thực sự hấp dẫn, mang lại hứng thú đọc sách cho hành khách. Đây cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của trung tâm trong việc xây dựng các bến xe văn minh, thân thiện, an toàn, sạch đẹp, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Mới đây, quán cà phê sách Kiwi coffee bookstore chính thức đóng cửa, khép lại hành trình gần 5 năm nỗ lực đưa sách đến gần hơn với độc giả, nhất là những người trẻ. Anh Phạm Anh Tuấn (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới), chủ nhân quán cà phê sách độc đáo này nuối tiếc chia sẻ, vì lý do khách quan về mặt bằng, nên quán đành đóng cửa và chuyển toàn bộ sách đến thị trấn Phong Nha (Bố Trạch).
Việc phải đóng cửa quán khiến anh trăn trở trong thời gian dài, bởi đây là công sức, tâm huyết của anh suốt mấy năm trời và quán dần tạo được thói quen đọc sách cho không ít bạn trẻ. Khách hàng thường xuyên của quán là các bạn học sinh THCS, THPT đến vừa đọc sách, vừa trao đổi học tập. Quán cũng tạo cơ hội tích điểm để khách hàng có thể mua cuốn sách yêu thích khi đủ điểm theo yêu cầu. Đây cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm thanh xuân của không ít bạn trẻ thành phố.
Xây dựng thành công một quán cà phê sách không hề đơn giản, nhân lực và công sức phải gấp đôi, gấp ba so với quán cà phê thông thường. Về đầu sách, may mắn, anh có nhiều bạn bè ở các nhà xuất bản nên tập trung hơn 10.000 đầu sách với đa dạng thể loại. Rồi sau đó là việc phân loại, xếp sách mỗi ngày… Dẫu vậy, việc góp phần mang lại một không gian đọc sách ý nghĩa đã trở thành động lực để anh cùng đội ngũ nhân viên tiếp tục cố gắng hàng ngày. Hiện, toàn bộ sách được chuyển lên thị trấn Phong Nha và anh sẽ xây dựng một quán cà phê sách ở đây, kỳ vọng mang lại một không gian văn hóa đọc cho người dân và du khách ở vùng quê di sản.
Vậy là không gian văn hóa đọc của TP. Đồng Hới vốn ít ỏi nay lại càng thưa vắng. Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới Hoàng Thế Việt cho hay, hàng năm, bên cạnh triển khai Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thành phố tạo điều kiện cho các nhà xuất bản, doanh nghiệp mở hội chợ sách ở sân Trung tâm Văn hóa tỉnh (cũ). Kế hoạch dài hơi để xây dựng không gian văn hóa đọc trên địa bàn thành phố thì hiện vẫn chưa có.
Theo Kế hoạch số 456/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh, các hoạt động chính hưởng ứng sự kiện sẽ tập trung tháng 3-4/2024 trong hệ thống trường học, nhà văn hóa, thư viện, các địa phương, đơn vị và tổ chức đoàn thể, hệ thống cơ sở phát hành… Nội dung chính, gồm: Tổ chức hội sách, gian trưng bày, giới thiệu, bán sách giá ưu đãi, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc; tổ chức các hội thi liên quan; trao tặng sách và trang thiết bị phục vụ việc đọc sách; phát động, nhân rộng những phong trào lan tỏa văn hóa đọc; tổ chức lồng ghép với các lễ hội truyền thống, sự kiện chính trị với hình thức phù hợp…
Còn theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông thành phố Đinh Thị Phương Lan, hiện tại, do cơ sở vật chất và nguồn kinh phí hạn chế nên những hoạt động liên quan đến không gian văn hóa đọc trên địa bàn chưa thể triển khai. Sắp tới, khi trụ sở của trung tâm được hoàn thành, kỳ vọng về một không gian văn hóa đọc ý nghĩa sẽ được trở thành hiện thực.
Bên cạnh hệ thống các thư viện, nhà sách, TP. Đồng Hới vẫn thực sự đang thiếu một không gian văn hóa đọc đúng nghĩa, có thể kích thích đam mê và thói quen đọc sách trong cộng đồng! Đó không chỉ là lời trăn trở của một phụ huynh có con đam mê đọc sách, mà còn là trăn trở của không ít người yêu sách, mong muốn tìm tòi về sách. Nhiều ý kiến cho rằng, thời đại công nghệ số nên số lượng người yêu sách giảm hẳn, nhất là các bạn trẻ.
Tuy nhiên, theo như chia sẻ của anh Phạm Anh Tuấn, khi quán Kiwi coffee bookstore đóng cửa, nhiều bạn trẻ rất tiếc nuối và dành nhiều tình cảm trong những dòng lưu bút dành cho quán vào ngày mở cửa cuối cùng. Đặc biệt, hình ảnh cuối tuần, nhiều bạn trẻ tìm đến nhà sách để lựa chọn cuốn sách yêu thích, cho thấy sách vẫn còn chỗ đứng trong lòng độc giả, nhất là với người trẻ.
Về lâu dài, TP. Đồng Hới vẫn rất cần có những kế hoạch thí điểm triển khai không gian văn hóa đọc trong cộng đồng, đó không chỉ là nâng cấp hệ thống thư viện về chất lượng và số lượng hay tạo một số điểm không gian đọc sách, mà đòi hỏi một chiến lược phát triển không gian công cộng phục vụ văn hóa đọc hiệu quả và bền vững. Qua đó, không gian văn hóa đọc, như đường sách chẳng hạn, có thể trở thành một “điểm hẹn” văn hóa nghệ thuật ý nghĩa, thu hút cả người dân địa phương và du khách nếu biết khai thác đúng hướng.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.