Bạn đọc Lò Văn Phụi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hỏi: Gia đình tôi hiện đang trú tại một bản miền núi. Thời gian gần đây, người dân từ các địa phương khác đã đến khu vực gần nhà tôi để cắm trại. Nhận thấy đây là một cơ hội kinh doanh, tôi xin hỏi có thể mở một điểm du lịch tại đây được không? Và thủ tục như thế nào?
Trả lời: Trước tiên, việc mở điểm du lịch trên đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều là tự phát và trái pháp luật. Nên nếu đó là thửa đất hoang thì trước tiên phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo như mô tả thì địa điểm này có tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, tạo được nhu cầu để khai thác, đáp ứng quy định tại khoản 4, 7 Điều 3 Luật Du lịch năm 2007.
Để đáp ứng các điều kiện công nhận là điểm du lịch, trước tiên phải có sự đồng thuận của các hộ gia đình khác trong việc xác định ranh giới thửa đất, xây dựng tuyến đường giao thông. Thông thường, các điểm du lịch sẽ bị các hộ dân xung quanh phản đối với các lý do như: Có thể làm thay đổi cảnh quan, làm mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường. Việc này sẽ khó khăn hơn nữa do địa điểm là vùng núi có địa hình khó khăn và chủ yếu có các đồng bào dân tộc thiểu số, đã quen với làm nương rẫy.
Tiếp theo là phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai (Việc chuyển mục đích sử dụng đất có thể bị hạn chế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương).
Nếu được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, sau đó sẽ phải đầu tư nhiều hạng mục để đáp ứng điều kiện công nhận là điểm du lịch theo Điều 11 Nghị định 168/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Du lịch (giao thông, điện nước, dịch vụ ăn uống, mua sắm, vệ sinh, bộ phận bảo vệ, phòng chống cháy nổ,…).
Tương ứng với mỗi điều kiện là một loại giấy phép như: Giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy; Cam kết các hạng mục cơ sở vật chất phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện với môi trường và không phá vỡ cảnh quan chung.
Về vấn đề này, bên cạnh phương án hợp tác cùng các hộ dân xung quanh hoặc bạn bè để góp vốn, tỉnh Sơn La cũng đã có những sự quan tâm nhất định bằng các chính sách chỗ trơ cụ thể như Quyết định 3586/QĐ-UBND năm 2014 về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2026.
Đặc biệt, tại Nghị quyết 41/2022/NQ-HĐND, tỉnh Sơn La đã có những chính sách hỗ trợ rất cụ thể để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, truyền thông quảng bá, lãi suất vay vốn bằng nguồn ngân sách của địa phương cho không chỉ cho hộ gia đình của bác, mà còn cả các hộ dân xung quanh nếu họ tham gia phục vụ khách du lịch.
Việc phát triển du lịch tại các vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang được Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh triển khai như: Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030; Quyết định 922/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 82/NQ-CP năm 2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.