Thầy cúng (sư công) còn gọi là thầy Tào, là những nhân vật đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Dao Lào Cai. Để học thành một thầy cúng cao tay, có khả năng hành lễ cấp sắc lên 12 đèn, khó hơn nhiều việc đào tạo một chức danh tiến sĩ.
Đời người Dao từ khi sinh ra, cả khi đã mất đi, có 3 lễ cúng quan trọng: Lên 3 đèn (trên 10 tuổi), lên 7 đèn (lập gia đình), và lên 12 đèn. Cả ba nghi lễ này, cần đến nhiệm vụ cao cả của thầy cúng, không thầy cúng thì không thể lên đèn. Thầy cúng cao tay nhất là người có thể lên được 12 đèn cho đệ tử, với nhiều nghi thức cúng tế phức tạp. Điểm danh sách thầy cúng lớn trong cộng đồng Dao ở Lào Cai, con số chưa quá bàn tay. Nghĩ đơn giản, số lượng thầy cúng ít, việc nhiều, hẳn "đắt sô" nhưng thầy cúng Lý Phủ Vàng (Lý Phúc Vượng) ở Trung Chải, Sa Pa cho biết: "Sau lễ cúng, như lễ lên đèn, thầy tham dự sẽ phải nghỉ hai tháng, qua tháng thứ 3 mới được phép cúng lại chứ không phải muốn cúng lúc nào cũng được".
Để trở thành sư công trong cộng đồng người Dao, phải biết đọc và viết thành thạo chữ Dao. Việc học chữ Dao được các thầy cúng thâm niên đứng ra mở lớp tại tư gia, con em người Dao các độ tuổi đến nhà thầy học chữ, sau đó làm lễ cấp sắc (3 đèn) đánh dấu trưởng thành, tiếp tục học chữ viết cho thành thạo, lên 7 đèn, rồi 12 đèn. Việc muốn hay không muốn làm sư công, biết chữ giỏi chưa đủ, còn phải được các thầy sư phụ "chấm", mở thiên nhãn qua các lễ Pút Tồng (nhảy đồng).
Người được thầy cúng tuyển lựa, sẽ học tiếp chữ nghĩa, văn cúng, các nghi thức… ghi chép trong sách vở do tổ tiên lưu truyền lại. Với người Dao, sách là báu vật. Nhờ sách, người Dao giữ được con chữ, giữ được lề lối, đạo nghĩa, lời răn dạy tổ tiên để làm người cho đúng, cho xứng với đất trời. Thầy cúng là người thành thạo nhất trong cộng đồng khi nói về chuyện chữ nghĩa, sách vở.
Hỏi về số lượng thầy cúng cao tay trong cộng đồng người Dao ở tỉnh Lào Cai, thầy cúng Chảo Tờ Sài cho biết: Có khoảng 18 vị, nhưng chỉ được 4 - 5 vị đủ khả năng làm lễ Tẩu Sai (lên 12 đèn). Thầy Sài nói thêm: "Tôi làm thầy cúng 30 năm rồi, dạy học trò nhiều lắm, cả ngàn đứa, nhưng làm được thầy cúng chỉ vài người thôi. Hiện tại tôi có 3 lớp, được 42 trò, tuổi từ 16 đến ngoài 20, có cả nam và nữ". Hỏi người Dao có thầy cúng nữ? Ông bảo: "Nữ không học làm thầy, mà nó đến học cho mồm nói tiếng Dao, dạy thêu để nó biết làm quần áo, dạy nó hát đối đáp".
Những thầy cúng thế hệ đi trước như Chảo Tờ Quẩy, Lý Phú Vảng, Chảo Tờ Sài… đã có thế hệ trẻ kế thừa, đặc biệt là Chảo Láo Sì, sinh năm 1990 nhưng đã làm thầy cúng lên 12 đèn. Nói về hành trình làm thầy cúng, Chảo Láo Sì kể: "Bố mình cũng là thầy cúng, từ nhỏ mình được chỉ dạy, lớn học thêm từ nhiều sư phụ khác. Mỗi ngày 3 giờ sáng thức dậy học chữ, rồi đi làm, tối về lại học, mỗi ngày hoàn thiện một trang. Rồi học kèn, trống, hát, cúng… ôi nhiều lắm, học cả đời đấy". Trong đời sống người Dao, thầy cúng nghi lễ nhỏ thì nhiều, muốn thành thầy lớn - thầy cả, chủ trì các lễ cúng trọng đại, thầy cúng Chảo Tờ Sài tiết lộ: "Phải có tay viết sớ, cúng giỏi mà không viết được sớ thì không lên cao được. Chữ viết phải đẹp, năng lực nói cái gì đúng cái đấy, người dân tín nhiệm, mới làm được thầy to".
Trong lễ cúng của người Dao, tiền giấy làm vàng mã là chi tiết quan trọng. Người Dao cũng có tục hóa vàng, nhưng chỉ đúng theo số nợ hoặc số cần để người bên kia thế giới sử dụng. Họ cho rằng nếu đốt nhiều hơn số lượng tổ tiên cần, ma quỷ sẽ hưởng phần dư đó để tăng thêm uy lực, góp phần cho cái ác, cái xấu sinh sôi. Thầy cúng đã hiếm, thầy đếm tiền còn hiếm hơn bởi ngoài khả năng cúng bái, hợp tuổi gia chủ, tinh thần cực minh mẫn, sáng suốt, trí nhớ tốt, mới đếm đúng và đủ tiền theo yêu cầu từng lễ cúng.
Trong cộng đồng người Dao Lào Cai, có hai thầy cúng giỏi việc đếm tiền, Lý Phủ Sèo (53 tuổi, ngụ ở Trung Chải, Sa Pa) là một trong số ấy. Hỏi chuyện nghề, sư công Sèo nói: "Mình làm thầy cúng từ năm 21 tuổi, nhưng là thầy nhỏ, cúng các lễ lên 3 đèn, 7 đèn thôi, đến năm 37 tuổi mới lên được thầy to, đủ khả năng cúng 12 đèn. Mình mới làm được hai lễ cúng 12 đèn, lễ thứ hai ở Phìn Ngan mình được giao việc đếm tiền". Thầy cúng phụ trách việc đếm tiền được ví là chủ "ngân hàng" bởi độ tính toán phức tạp, công phu với trọng trách cấp tiền không được phép sai dù chỉ một đồng tiền âm cho lễ cúng.
Miếng giấy bản, cắt thành từng miếng có độ dài khoảng 30 cm, rộng khoảng 5 cm, thầy cúng dùng khuôn in hoa văn hình thú với ngựa, rồng, chim, hổ. Sau đó chọn từng miếng "tiền", xếp thứ tự theo công thức tính toán riêng rồi cuộn lại, xếp thành cây. Mỗi cặp vợ chồng của lễ lên 12 đèn lần này cần đến 1.200 cây tiền, chia thành 4 bó gồm 2 vàng, 2 bạc. Có 43 cặp vợ chồng nên thầy Sèo phải hoàn thiện 51.600 cây tiền, tiêu tốn hơn 150 kg giấy. Hỏi về thời lượng hoàn thành và quy trình làm việc, thầy Sèo bảo: "Mình chuẩn bị trước cả tháng, đến ăn ngủ tại lán do chủ nhà dựng ngoài ruộng, 11 giờ đêm ngủ, 3 giờ sáng dậy đếm tiền, liên tục 25 ngày không nghỉ mới hoàn thiện".
Số tiền mã các lễ cúng cũng khác nhau, tùy công nợ mỗi gia đình, đời trước chưa trả hết con cháu có điều kiện phải làm lễ trả. Người được chọn đếm tiền phải đếm đủ, đếm đúng theo số nợ ghi trong sách tổ tiên dòng họ đó, nếu làm sai sẽ bị vạ và việc cúng tế không hiển linh.
Sau gần một tháng rời nhà lên ăn ngủ và đếm tiền ở lán, gương mặt thầy Sèo nhợt đi, nét mệt mỏi thấy rõ, ông cho biết: "Làm lễ này hơi vất vả, do chủ nhà nợ nhiều, theo lời hứa sau 3 năm phải cúng tạ nhưng chưa lo đủ, đến giờ là 7 năm mới cúng được. Họ chọn mình thì mình phải giúp, làm thầy cúng không được kể công, tính công, vì đó là nhiệm vụ". (còn tiếp)