Đời sống xã hội

Để kiến trúc nhà sàn truyền thống không bị mai một

Ngọc Trang 28/04/2024 - 15:12

Người Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa, (Quảng Trị) có truyền thống văn hóa rất phong phú và đa dạng, trong đó kiến trúc nhà sàn được coi là nét văn hóa đặc sắc. Trong xu thế tiếp cận văn hóa nhiều vùng miền như hiện nay, kiến trúc nhà sàn truyền thống có nguy cơ bị mai một dần, phần do điều kiện khó khăn về nguyên vật liệu, phần do sự giao thoa văn hóa. Thực trạng này khiến đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương nói trên trăn trở.

Độc đáo nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô

Nguyên liệu để cất nhà sàn của người Vân Kiều, Pa Kô rất thân thiện với môi trường như gỗ, mây, tre, nứa, lá tranh. Kiến trúc nhà ở truyền thống của họ bao gồm 2 hình thái, hình thái nhà mái tròn và nhà mái bằng, kết cấu nhà sàn, có 3 gian chính, bố trí các gian gắn liền với vị trí, vai trò của con người: Gian giữa là để đón khách và tổ chức các sự kiện quan trọng của gia đình. Trên đầu gian này là thờ cúng tổ tiên, thần linh. Gian bên trái là gian bếp và dành cho người phụ nữ. Gian bên phải là gian dành cho người đàn ông.

398-202404281122181.jpg
Nhiều ngôi nhà sàn ở Hướng Hóa được người dân xây dựng cách tân, khác với kiểu nhà sàn truyền thống - Ảnh: K.S

Người đàn ông lớn tuổi thì phải có phòng riêng, vì đồng bào dân tộc thiểu số quan niệm rằng người đàn ông trong gia đình mới là người có quyền đứng ra cúng bái tổ tiên, thần linh, cũng là người có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ xã hội. Không gian bên ngoài căn nhà được lót sàn bằng gỗ, thường được dùng để đặt các vật dụng lao động khi đi làm về, đứng rửa chân hoặc ngồi hóng mát.

Ngoài ra còn có không gian chái (hình tam giác hoặc hình tròn), thường được dùng để cất trữ nông sản và các loại vật dụng quý hiếm như nồi đồng, nhạc cụ cồng chiêng... Không gian dưới sàn nhà thường được cất trữ chất đốt, đồ đạc phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày. Mái nhà thường có độ dốc lớn.

Nhà ở của người Pa Kô cơ bản giống nhà của người Vân Kiều, đều là nhà sàn, nhưng có kết cấu nhà dài và thấp hơn so với nhà sàn của người Vân Kiều, có nhiều gian cho nhiều thế hệ cùng sinh sống chung. Với kiến trúc này, nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa, Đakrông luôn đảm bảo sự ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Ngày xưa, người Pa Kô còn có những ngôi nhà dài dành cho nhiều thế hệ trong cùng một gia đình, để xây dựng ngôi nhà này, họ phải tốn rất nhiều công sức, thời gian để tìm kiếm vật liệu và dựng nhà.

398-202404281122182.jpg
Bên bếp lửa nhà sàn - Ảnh: K.S

Ngày nay, khi đời sống của người dân có nhiều tiến bộ, nhu cầu về xây dựng nhà ở mới cũng tăng cao. Nhiều xã có tỉ lệ trên 70% nhà sàn như: Thuận, Thanh, Ba Tầng..., riêng nhà dài của người Pa Kô hiện còn rất ít, chủ yếu ở xã Lìa. Về hình thức thì cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc của nhà sàn truyền thống, tuy nhiên bà con đã linh hoạt thay đổi một số kết cấu để phù hợp với điều kiện đời sống hiện nay, như che thêm mái hiên, thay vật liệu lá tranh lợp mái bằng ngói hoặc bờ-rô-xi măng, tôn...

Nguy cơ mai một

Hiện nay, một số hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng cách tân kiến trúc nhà sàn theo kiến trúc của Lào và Thái Lan. Đặc biệt là phần mái nhà không còn độ dốc nhiều và không lợp tranh như xưa mà độ dốc ít hơn, lợp mái tôn, mái và tường nhà mặt ngoài đều được sơn bằng nhiều màu rất sặc sỡ. Một số hộ lại chọn kiến trúc nhà trệt của người Kinh.

Sự cách tân dần dần về kiến trúc khiến nhà sàn có nguy cơ mất đi nét truyền thống vốn có. Mặt khác, vật liệu làm nhà sàn truyền thống ngày càng khó tìm, nhất là gỗ. Để cất được ngôi nhà sàn cần khá nhiều kinh phí cho nguyên liệu này, nhất là gỗ tốt, chắc, đẹp, đảm bảo yêu cầu.

Vì thế nhiều hộ gia đình đã chọn phương án xây nhà trệt dạng đơn giản để đảm bảo kinh phí, nhất là các hộ gia đình được Nhà nước và các tổ chức khác hỗ trợ về nhà ở thông qua các chương trình, dự án.

Ông Hồ Văn Hồi, người dân tộc Vân Kiều ở Khóm 6, thị trấn Khe Sanh chia sẻ: “Khoảng hơn 10 năm trước, phần lớn người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đều sử dụng nhà sàn. Bây giờ, đi đến các thôn bản ở Hướng Hóa, tôi thấy chạnh lòng vì có khá nhiều gia đình xây dựng nhà ở theo kiến trúc của người Kinh. Nhà trệt bằng bê tông, cốt thép nhìn chắc chắn, an toàn khi mưa bão nhưng lại mất đi bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô”.

Cần được bảo tồn

Xã Thuận là một trong những xã ở Hướng Hóa hiện còn số nhà sàn khá nhiều. Toàn xã có hơn 650 hộ dân, đa số là người Vân Kiều. Trong xã có hơn 70% số hộ dân còn sử dụng nhà sàn truyền thống. Gần 30% còn lại xây dựng theo kiểu nhà trệt, trong đó nhiều nhà được xây theo mẫu của các chương trình, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về phần nhà sàn, mặc dù điều kiện vật liệu không thuận lợi để giữ lại trọn vẹn kết cấu như kiến trúc truyền thống ngày xưa nhưng cơ bản bà con vẫn xây dựng theo kết cấu nhà sàn từ 2 - 3 gian, phù hợp với phong tục tập quán sinh hoạt của người Vân Kiều.

Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ A Dung cho biết: “Tuy có phần mai một nhưng nhìn chung đồng bào dân tộc Vân Kiều trên địa bàn vẫn thích làm nhà sàn hơn nhà trệt vì mong muốn giữ lại kiến trúc truyền thống này.

Trong thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, địa phương tuyên truyền, vận động bà con cố gắng giữ gìn, bảo tồn kiến trúc nhà sàn của dân tộc mình để thuận lợi cho cuộc sống sinh hoạt và lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại bao đời nay”.

Trước thực trạng trên, nhiều người dân địa phương đã có ý thức, trách nhiệm bảo tồn nét đẹp đặc sắc của văn hóa dân tộc mình. Ông Hồ Văn Hồi cho biết thêm: “Tôi rất tự hào về kiến trúc nhà sàn của dân tộc mình. Vì thế, mặc dù có làm thêm nhà mới là nhà trệt nhưng tôi vẫn duy trì ngôi nhà sàn, xem đó là kỷ niệm, là văn hoá không thể mất đi của người Vân Kiều. Tôi mong muốn nhà sàn truyền thống luôn được bảo tồn để con cháu đời sau biết đến kiến trúc độc đáo và đặc sắc của dân tộc mình”.

Nói về hướng bảo tồn văn hóa truyền thống nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đồng chí Hồ Ngọc Tình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa cho biết: Trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa các dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, địa phương rất chú trọng đến kiến trúc nhà sàn, bởi đây là một nét văn hóa rất đặc sắc của các dân tộc.

Do đó, huyện đã tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con duy trì kiến trúc nhà sàn, đồng thời tuyên truyền quảng bá trên các kênh truyền thông về nét văn hóa đặc sắc này.

Bên cạnh đó, phòng tham mưu lãnh đạo huyện đầu tư các mô hình nhà sàn truyền thống tại các điểm du lịch cộng đồng để vừa phục vụ khách tham quan trải nghiệm, vừa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa”.

Theo https://baoquangtri.vn
Copy Link
Copy Link
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO