Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội (Làng) - nơi hội tụ những nét đẹp văn hóa tinh hoa đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Trong Làng, tỉnh Thái Nguyên vinh dự có 2 mái ấm: 1 của đồng bào dân tộc Tày, 1 của đồng bào dân tộc Nùng. Giữa "vườn hoa" đa sắc màu văn hóa, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng Thái Nguyên luôn gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần quảng bá về quê hương, con người Thái Nguyên cũng như nét đẹp văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu bốn biển.
Trong Làng, nhà của đồng bào dân tộc Tày và dân tộc Nùng nằm ở lưng 2 triền đồi. Vì cùng ở Thái Nguyên về nên nhà Tày và nhà Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch trên cùng một tuyến đường, làm "hàng xóm" với nhà của đồng bào dân tộc Dao và dân tộc Mông… Từ phía cổng Làng vào, qua khu vực chợ phiên, lên đến đỉnh một đoạn đường dốc là thấy 2 ngôi nhà sàn chắc chắn mang kiến trúc Tày, Nùng cổ. Ở đó, đồng bào Tày, Nùng luôn bận rộn với công việc tiếp đón khách và lo chuyện bếp núc phục vụ nhu cầu thưởng ẩm của du khách.
Không chỉ đại diện cho tỉnh Thái Nguyên, mà đại diện cho đồng bào dân tộc Tày, Nùng cả nước, nên những chủ nhân của ngôi nhà luôn tự hào, mở lòng chia sẻ với du khách. bạn bè thế giới.
Bà Nguyễn Thị Chiến, một trong những chủ nhân của ngôi nhà, cho biết: Chúng tôi vinh dự được đại diện cho người dân tộc mình làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Tày, Nùng qua các hoạt động quảng bá du lịch. Ngôi nhà của chúng tôi ngày nào cũng có du khách ghé thăm, khoảng 20.000 lượt khách/năm, chủ yếu là học sinh các trường THPT, THCS từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đến tham quan, trải nghiệm. Đông vui nhất là vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, nườm nượp du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa Tày, Nùng.
Cũng như nhiều ngôi nhà của đồng bào các dân tộc Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, nhà Tày và nhà Nùng của Thái Nguyên luôn ấm áp tiếng người. Chủ nhân luôn thân thiện, mở lòng chào đón khách. Giới thiệu cho du khách về những nét đẹp văn hóa Tày, Nùng Việt Nam, kể từ kiến trúc nhà ở, dụng cụ phục vụ lao động sản xuất, các món ăn hằng ngày, nghi lễ tâm linh và kho tàng văn hóa, văn nghệ được trao truyền qua nhiều đời. Nhiều du khách nước ngoài ghé thăm, ngồi hong tay bên bếp lửa, học nói, học hát Ví, hát Then bằng ngôn ngữ dân tộc Tày, Nùng và lóng ngóng tập chơi đàn Tính.
Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân hát Then Hoàng Thị Thảo cho biết: Du khách trong, ngoài nước đến thăm nhà Tày, nhà Nùng đều thích thú với các món ẩm thực như: Khau nhục, lợn quay, bánh chưng 3 góc, bánh lẳng, cơm lam… và tỏ lòng mê đắm lời Then, tiếng Tính.
Ngày hội làng then
Từ nhiều năm nay, Làng được du khách trong nước, quốc tế coi là một trong những địa chỉ đáng đến. Bởi trong Làng gần như tuần nào cũng có tổ chức lễ hội. Các dân tộc luân phiên tổ chức, trình diễn, giới thiệu về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình với du khách. Ở nhà Tày, nhà Nùng, bốn mùa tiếng đàn Tính, lời Then chảy dài cùng năm tháng. Nhiều du khách nhận xét: khu nhà của đồng bào Tày, Nùng Thái Nguyên luôn rộn ràng như ngày hội làng Then.
Bởi các hoạt động ý nghĩa diễn ra trong suốt dịp đầu Xuân của Làng như chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”; “Hương Xuân Tây Bắc”; ngày “Hội Xuân” giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa của các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer… Góp phần gây ấn tượng với du khách còn có Chương trình giao lưu “Sắc chàm hương Xuân” diễn ra tại không gian nhà Tày, nhà Nùng của Thái Nguyên.
Phấn chấn như một khúc hoan ca Xuân mới chào đón những bước chân “xông đất” đầu năm của du khách. Cũng suốt những ngày được ví là ngày hội làng Then, cây đàn Tính cũng bận rộn hơn trên tay các nghệ nhân hát Then xứ Trà. Cái âm điệu rộn ràng nền nảy nâng câu Then bay cao, bay xa và như níu lòng người về hội. Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng chia sẻ: Lời Then, tiếng Tính là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày, Nùng chúng tôi. Vì thế, trong ngày hội, cũng như trong cuộc sống đời thường, không thể thiếu vắng cái âm hưởng thi vị ngấm sâu vào huyết quản bao thế hệ.
Hàng nghìn lượt du khách đã tham gia cùng các nghệ nhân và đồng bào Tày, Nùng trải nghiệm với ngày hội Lồng tồng, với nghi lễ cúng cây nêu, tham gia trò chơi tung còn, cùng hát dân ca, dân vũ, hát giao duyên, hát Si, hát Lượn; tìm hiểu cách chế biến và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống như bánh chưng, bánh dày, cơm lam, chè lam, xôi ngũ sắc, thịt lợn quay; thưởng trà Thái Nguyên; tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng và các trò chơi văn hóa dân gian như đi cà kheo, ném còn, bập bênh, xích đu, đi cầu thăng bằng, bịt mắt đập ống, nhẩy sạp. Đặc biệt, trò chơi tung còn, người ném quả còn thủng vòng hồng tâm được bà con thưởng mâm lễ cúng cây nêu.
Các hoạt động trình diễn, tái hiện nét đẹp văn hóa tinh thần của nhóm đồng bào Tày, Nùng ở Làng đã để lại trong lòng du khách một ấn tượng mới lạ, độc đáo, được cơ quan chức năng ghi nhận, tặng nhiều Giấy khen; góp phần quảng bá đến nhân dân, du khách trong, ngoài nước về vẻ đẹp quê hương, con người Thái Nguyên. Đặc biệt là về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng Việt Nam.