Tiểu Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang được triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện tiểu dự án 3, trong dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Phú Thọ đã dành gần 176 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp trung hạn để thực hiện phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hết năm 2023, đã thực hiện giải ngân 128 tỷ đồng, trong đó năm 2022 kéo dài thực hiện năm 2023 là 37,7 tỷ đồng; năm 2023 là 90,345 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã thực hiện hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá ... cho trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện Tân Sơn, Yên Lập; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề và các nội dung khác cho trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thuỷ.
Từ nguồn kinh phí, tỉnh cũng đã đầu tư mua sắm nhiều máy móc trang thiết bị phục vụ đào tạo cho Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng; hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc như công tác giao kế hoạch vốn trung hạn, phân bổ vốn của một số nội dung còn chậm; việc triển khai thực hiện một số nội dung, dự án, tiểu dự án chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; nguồn vốn sự nghiệp từ năm 2022 chuyển sang năm 2023 còn lớn. Công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia còn có địa phương thực hiện chưa thực sự toàn diện, sâu rộng, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình mới với nhiều dự án thành phần, do nhiều bộ, ngành quản lý, hệ thống cơ chế chính sách và văn bản hướng dẫn rất nhiều, dẫn đến một số văn bản thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, gây khó khăn trong quá trình thực hiện...
Trong quá trình triển khai thực tế tại địa phương đã phát sinh nhiều vướng mắc như: Theo Thông tư 17/2022/TT-Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đều được đầu tư từ nguồn kinh phí của dự án.
Tuy nhiên, theo khoản 12 Điều 23 Thông tư 15/2022/TT-Bộ Tài chính đối tượng được hỗ trợ là “các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, theo đó thì tỉnh Phú Thọ chỉ có 3/14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ đầu tư. Do đó, khó khăn cho các địa phương trong quá trình phân bổ vốn và thanh quyết toán vốn được giao.
Từ năm 2015 trở lại đây, thực hiện hướng dẫn của trung ương, tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên. Sau khi sáp nhập, các trung tâm vẫn hoạt động dạy nghề theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo Luật giáo dục, các cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, không thuộc đối tượng thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, gây khó khăn cho việc hỗ trợ đầu tư các Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên. Trong khi đó, trên thực tế các trung tâm này đang đảm nhận việc đào tạo nghề ngắn hạn cho phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ xây dựng các mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS&MN. Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh sẽ có 55% lao động trong độ tuổi là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ...