Bạo lực giới và bạo lực gia đình chưa bao giờ là chuyện cũ đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chính sự cam chịu, nín lặng của chị em ở vùng cao đã khiến nạn bạo hành trong nhiều gia đình không dễ gì xóa bỏ.
Xin đừng cam chịu bạo hành
Tại Hội thảo “Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp” do Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức, chị Nguyễn Thị Sua (45 tuổi, người dân tộc Mông, quê ở Điện Biên) đã kể câu chuyện của mình.
Như nhiều phụ nữ khác ở miền sơn cước, chị Sua là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình, do thói quen uống rượu của người dân nơi đây. Mỗi khi đi uống rượu về, chồng chị Sua trở thành một người khác hẳn. Chỉ cần chị Sua than phiền chuyện uống rượu hay nói bất kỳ điều gì, chồng liền đánh đập vợ. Nhiều lúc chồng tỉnh táo, Sua thủ thỉ, tâm sự khuyên bảo chồng bỏ uống rượu, lo chí thú làm ăn, nuôi con… Chồng chị Sua có bỏ rượu được ít hôm rồi lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”, mỗi khi rượu vào lại đánh đập chị Sua bầm dập.
Chị Sua thường xuyên có thương tích trên mình, mặt thâm tím, có khi chị còn bị chồng đánh gãy tay. “Ông ấy cứ uống rượu say là nằm vật ra, tôi và con gái lại phải lấy xe đẩy lợn, đẩy ông ấy về. Chăm sóc như vậy, nhưng về tới nhà là ông ấy đánh tôi. Đánh nhiều đến mức cơ thể chằng chịt vết thương, đau ê ẩm. Đau khổ, tủi hổ nhiều lắm nhưng tôi vẫn phải chịu đựng” - chị Sua nói.
Sau rất nhiều lần bị đánh, người đầy thương tích nhưng câu nói mà chị Sua dạy con vẫn chỉ là “là phụ nữ thì phải cam chịu”. Đến cả mẹ chị Sua cũng dạy con gái chị là phải cam chịu, nhẫn nhịn. Dù có bị chồng đánh, dù có bị chồng bạo lực, dù chồng có chơi bời không chịu làm ăn... vẫn không thể bỏ chồng.
Cũng như bao người phụ nữ người dân tộc khác, chị Sua cũng không tìm tới sự giúp đỡ, can thiệp của chính quyền địa phương. Câu chuyện bạo lực trong gia đình chị Sua chỉ kết thúc khi chị và con gái bỏ đi và người bố đọc được bài văn đầy nước mắt của con gái chị Sua kể về cảm xúc khi thấy bố đánh mẹ.
Câu chuyện của chị Lù Thị M, 28 tuổi (Mộc Châu, Sơn La) cũng đầy nước mắt. Theo chị M, chị bị chồng thường xuyên “tra tấn” tinh thần bằng những lời nhiếc móc, chửi rủa nặng lời. Cứ mỗi lần chị muốn đi học thêm cách trồng cây, chồng chị M ghen tuông đập phá nhà cửa. "Những lúc ấy trong gia đình không khác gì địa ngục, bạo lực tinh thần khiến chị phải chịu những giày vò dai dẳng", chị M nghẹn ngào.
Đây chỉ là những minh chứng trong hàng nghìn vụ bạo hành gia đình, đã xảy ra trên cả nước, đặc biệt là vùng DTTS, miền núi. Trong tổng số hơn 14 triệu người DTTS ở nước ta hiện nay, phụ nữ chiếm 49,9%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ DTTS đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chịu sự bất bình đẳng về giới từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Số liệu Điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, 63% phụ nữ đã, đang bị bạo lực tới thời điểm khảo sát. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực khá cao. Phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục cao hơn các dân tộc khác chiếm tới 42,36% so với dân tộc kinh là hơn 32%. Có tới gần 55% phụ nữ Mông bị kiểm soát, không được nói lên suy nghĩ của mình, không được đi tới nơi mình muốn. Trong khi đó, có tới hơn 70% phụ nữ Dao bị bạo hành về mặt kinh tế, không được nắm giữ tài chính.
Có muôn vàn lý do gây nên bạo lực gia đình, mà đối tượng gây bạo lực gia đình, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia, cờ bạc, nghiện ma tuý; trình độ dân trí thấp; thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt là những trường hợp đàn ông là người DTTS, có các hành vi bạo lực xuất phát từ thói quen uống rượu hàng ngày; khi rượu vào không kiểm soát được bản thân dẫn đến các hành vi bạo lực.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ người DTTS uống rượu cao hơn rất nhiều so với người Kinh. Cụ thể, tỷ lệ uống rượu ở nam giới người dân tộc Nùng là hơn 76%, dân tộc Dao là hơn 80%, dân tộc Mường là hơn 84%, dân tộc Tày là hơn 85%.
Cần nâng cao hiểu biết pháp luật
Một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, trình độ nhận thức pháp luật kém, tư tưởng “người đàn ông là chủ trong gia đình”, định kiến “phụ nữ không giỏi bằng đàn ông”, “đó là việc của phụ nữ”... Những nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong tư duy của nhiều người, thậm chí ở ngay cả trong giới nữ, dẫn đến tình trạng cam chịu, sợ hãi, chấp nhận…, đôi khi lại ở dưới cái mác “hy sinh cho gia đình” hoặc “việc riêng của mỗi nhà”, “xấu chàng hổ ai”. Ngoài ra, nhiều phụ nữ DTTS không nhận thức được quyền sở hữu của mình đối với tài sản, với quyền được học tập, nâng cao trình độ,...
Việc ứng xử với bạo lực của phụ nữ cũng là nguyên nhân thúc đẩy bạo lực gia tăng. Qua khảo sát, trong các trường hợp bị bạo lực, đa số nạn nhân đều giữ im lặng về hành vi bạo lực với người chồng (72,1%). Rất ít trường hợp nói với người có trách nhiệm xử lý (chưa đến 2%).
Ngoài ra, bà Nguyễn Thu Giang - Phó Viện trưởng Viện Light cho biết, nhìn chung hệ thống mạng lưới phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới của Việt Nam tương đối toàn diện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ, cán bộ, chính quyền xuất hiện thụ động, chỉ tìm đến khi có bạo lực. Chỉ khi nạn nhân kêu cứu thì họ mới đến. Đó là chưa kể năng lực hòa giải cũng yếu, chỉ can ngăn, hòa giải, mà chưa giúp nạn nhân lên tiếng, nói ra hay tìm kiếm sự giải quyết triệt để.
Thực tế cho thấy, vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Những vụ bạo hành về mặt tinh thần diễn ra một cách âm thầm, lặng lẽ, người phụ nữ thường thấy bế tắc, không chia sẻ cùng ai. Và đến một ngày, họ có thể có những hành vi nguy hiểm như tự sát, hủy hoại bản thân… thì đã quá muộn.
Trước vấn nạn bạo lực gia đình, những năm gần đây, Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Ban Dân tộc và miền núi tỉnh triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, hướng tới “nói không với bạo lực gia đình”.
Qua đó, nhiều nơi đã có những cách làm hay, tập trung xây dựng gia đình “bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc”; xây dựng hội, nhóm, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tại các thôn; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng ứng xử khi bị bạo hành; thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục thông qua già làng, người có uy tín, hay qua tọa đàm, đối thoại…
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã duy trì nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả. Đó là Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” tại xã A Ngo và thị trấn A Lưới; Câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình” của xã A Ngo, xã Hồng Vân… Đến nay, mỗi xã đều có Câu lạc bộ “Đội phản ứng nhanh” để giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Hiện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, tại các xã để giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn cho các đối tượng bị bạo lực gia đình.
Các mô hình Câu lạc bộ thu hút được nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi khác nhau tham gia. Qua đó, giúp mọi người thay đổi cách nhìn, chia sẻ những bức xúc, góp phần đẩy lùi bạo lực trong gia đình.
Bà Lường Thị Hiền, dân tộc Thái - Hội Phụ nữ bản Co Dau (Thanh Luông, huyện Điện Biên, Điện Biên) gợi mở, các chương trình hành động cần đề ra các giải pháp đặc thù dựa trên đặc điểm của các nhóm DTTS, có tính đến các yếu tố ngôn ngữ, khoảng cách địa lý. Đặc biệt, cải thiện chất lượng dịch vụ ngay tại cộng đồng, hướng tới tận thôn bản, để chính họ hỗ trợ cho nhau.
Thêm nữa nên có các mô hình tư vấn, phòng ngừa bạo lực tại bệnh viện. Mở rộng mô hình về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho người bị bạo lực giới. Chuẩn hóa, chính thức hóa các dịch vụ thiết yếu tại cộng đồng có tính đến đặc thù của mỗi dân tộc.