Văn hóa

Cúng cơm ngày Tết

Kim Em 09/02/2024 - 09:06

Trong tập tục của người Quảng Nam, ngày ba mươi Tết nhà nhà đều có mâm cơm cúng rước ông bà về ăn tết cùng con cháu. Và trong ba ngày Tết, cơm nhà có gì cúng nấy, ông bà vẫn cùng hưởng mâm cơm do con cháu dâng cúng mỗi ngày.

Cho đến bây giờ, tục cúng rước ông bà chiều ba mươi Tết và cúng cơm trong ba ngày Tết vẫn còn được các thế hệ nối tiếp làm theo như một cách để gìn giữ nếp nhà.

mam-cung-giao-thua-30-tet-quy-mao-2023-gom-nhung-gi-202301141134126108.jpg
Mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết.

Từ ngày còn bé, cứ trưa mồng 2 Tết, tôi lại thấy má tôi lụi hụi vào bếp nấu các món cho mâm cơm cúng và ba tôi khăn đóng, áo dài, sửa soạn hương đèn để chuẩn bị cúng cơm ông bà. Trong tâm trí tôi, mâm cơm cúng trưa mồng 2 Tết ở nhà tôi tuy cỗ bàn không nhiều như mâm cơm cúng rước ông bà chiều ba mươi Tết, nhưng vẫn đầy đủ các món mặn, món xào, món canh và các loại bánh trái có trong nhà. Bữa cơm trưa mùng hai Tết ở nhà tôi sau khi ba cúng xong luôn đông vui, vì có thêm những người bà con ở làng trong ghé thăm chúc Tết ba tôi. Họ hàng đến thắp hương tổ tiên ngày mùng hai Tết, rồi ở lại dùng cơm cùng cả nhà tôi như một thói quen đã có từ xa xưa.

Tôi không biết tục cúng cơm ngày Tết ở quê tôi có từ khi nào. Bởi khi bắt đầu biết cùng đám con nít trong làng háo hức chờ đón Tết khi theo ba tôi vào nhà thờ họ lặt lá mai vào giữa tháng mười một âm lịch, tôi đã thấy má tôi sắm sửa mọi thứ để nấu cỗ ngày Tết. Cứ mỗi buổi chợ tan, trong đôi quang gánh của má lại có thêm một ít bún khô, nấm mèo, rồi kim châm, nếp, đậu xanh, đường bát… Như con chim chăm chỉ tha mồi ngày qua ngày, đến ngày hăm ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, thì gian buồng để đồ của nhà tôi cũng đầy ắp các thứ mà má tôi chuẩn bị cho Tết.
Sau lễ cúng hăm ba tháng Chạp, trường cho chúng tôi được nghỉ học để ăn Tết, thì cả nhà tôi tất bật lo soạn sửa để đón Tết. Ba tôi quét tước dọn dẹp bàn thờ. Bộ lư đồng được ba tháo xuống giao cho tôi để lau chùi bằng khế chua và tro bếp. Tôi cặm cụi suốt cả ngày mới làm xong việc đánh bóng bộ lư đồng - một công việc mà bây giờ chỉ cần đem ra tiệm đồ đồng chừng một giờ là xong - nhiệm vụ nặng nề nhất mà tôi được ba giao mỗi lần dọn nhà đón Tết. Ba tôi chăm chút từng việc nhỏ, từ lau chùi sạch bóng các khung ảnh thờ đến mua sắm đèn nến, hương trầm… Nhìn cái cách ba tôi chọn kỹ từng nải chuối, trái bưởi , từng nhánh hoa để trang trí bàn thờ mới thấy dường như tâm trí ba tôi đặt hết vào việc chuẩn bị để đón rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết.
Cứ ai lo việc nấy, đến sáng ba mươi Tết, gian thờ nhà tôi đã sáng trưng đèn nến, hoa quả và thơm ngát mùi trầm hương. Ba tôi luôn dặn chị em chúng tôi mỗi lần soạn sửa bàn thờ: Ba ngày Tết rước tổ tiên về nhà thì bàn thờ phải sạch sẽ, thành kính, mâm cúng phải đầy đủ để ông bà thấy con cháu luôn nhớ về cội nguồn. Và đó cũng là việc mà tôi luôn khắc cốt ghi tâm để làm theo lời ba những lần chuẩn bị đón Tết, dù ba tôi nay đã là người thiên cổ.
Trong khi ba tôi lo dọn dẹp, bày biện bàn thờ, thì má và các chị tôi lo làm bánh và các món ăn để trước cúng ông bà, sau là cho cả nhà ăn Tết. Nồi nấu bánh tét đã đỏ lửa từ chiều hăm chín Tết để có bánh chín cúng rước ông bà chiều ba mươi. Nửa con heo chia cùng hàng xóm cũng đã xong. Ba tôi làm món thịt heo bó mo cau để có thịt luộc cúng và để dành được đến nửa tháng Giêng. Rổ xương heo chặt miếng để sẵn được má tôi cho hết vào nồi hầm để dành nấu canh với khoai môn và chuối chát cúng cho cả ba ngày Tết. Mớ lòng heo được chị Hai tôi làm sạch và cho hết vào nồi cháo lòng để bọn con nít chúng tôi có cái ăn mà canh nồi bánh tét.
Các thứ chuẩn bị xong hết vào sáng ba mươi, và mâm cơm cúng rước ông bà về ăn Tết cũng được má tôi và các chị tôi lo đâu vào đấy đúng giữa Ngọ. Ba tôi mặc áo dài , đầu đội khăn đóng, thắp hương rồi quỳ lạy khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết cùng gia đình tôi. Trong lúc ba tôi cúng, chúng tôi đứng chờ để ba sai biểu gì thì làm và cúng xong thì bê dọn mâm bát để cả nhà ăn bữa cơm đoàn viên, thì má tôi và các chị tôi cũng sắp đặt các thứ để chuẩn bị cho bữa cúng cơm ngày mồng 2 và đưa ông bà ngày mồng 3 Tết.
Những năm tôi còn thơ bé, nhà chỉ có cái chạn bếp cất thức ăn chứ không có tủ lạnh để cất trữ đồ ăn như bây giờ, nên mọi thứ đồ nấu đều phải chuẩn bị sẵn. Nồi xương má nấu chín múc riêng để nấu cho hai bữa cúng. Bó thịt heo luộc cũng buộc thêm sợi lạt đánh dấu để biết mà lựa cho đúng. Các thức nấu khác cũng được chia ra từng nồi nhỏ rồi treo lên giàn bếp để mèo không ăn vụng được. Rau và đậu, hành củ có sẵn trong vườn nhà, cứ đến bữa là tôi cầm rổ ra hái rau, hái đậu, nhổ hành vào cho má xào nấu nên không phải mua ở chợ mà lại luôn có đồ tươi để nấu cúng.
Cứ thế, những cái Tết của tuổi thơ tôi trôi qua êm đềm trong sự tảo tần của má và sự thành kính của ba với ông bà tổ tiên đã khuất. Tôi lớn lên, đi học rồi đi làm. Dù bận bịu đến đâu nhưng cứ ngày ba mươi Tết tôi cũng thu xếp về nhà cũ, lau dọn, trang hoàng bàn thờ, soạn mâm cơm cúng mời ông bà, ba má về ăn Tết trong rưng rưng nỗi nhớ. Và cũng như má tôi xưa kia, trưa mồng 2 Tết năm nào tôi cũng nấu mâm cơm với đầy đủ các món ăn như má tôi đã nấu cúng cơm ông bà trước kia. Rồi mồng ba Tết lại chạy ra chợ sớm, mua ít thịt mới, rau củ tươi về nấu cơm cúng đưa ông bà về lại cõi xa.
Đến bây giờ, con gái tôi cũng lặp lại những việc mà tôi vẫn làm mỗi khi năm hết, Tết đến. Và đó là cách mà tôi dạy con gìn giữ nếp nhà, như mong muốn của ba tôi trong những ngày Tết xa xưa ấy.

Theo Báo Đà Nẵng
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO