Người Bru - Vân Kiều, Pa Kô có đời sống văn hóa rất phong phú, đa dạng, thể hiện tình yêu lao động, sức sáng tạo độc đáo. Những nét đặc sắc ấy vẫn được lưu giữ tới bây giờ. Đặc biệt, trong số nét văn hóa ấy là việc thờ cúng tổ tiên và tục giữ lửa …
Linh thiêng tục thờ tổ tiên
Dân tộc Bru Vân Kiều gồm các nhóm địa phương: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong, sống ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên thuộc miền Tây các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình.
Hoạt động sản xuất của đồng bào Bru Vân Kiều chủ yếu là canh tác rẫy, trồng lúa; sử dụng các nông cụ đơn giản: rìu, dao quắm, gậy trỉa, cái nạo cỏ có lưỡi cong. Ngoài trồng các giống lúa tẻ, nếp, còn trồng sắn, bầu, chuối, cà, dứa, khoai mía… Trong quá trình canh tác lúa rẫy, người Bru Vân Kiều có nhiều lễ cúng khác nhau nhằm cầu mùa, gắn với các khâu, phát, trỉa và thu hoạch. Ðặc biệt lễ thức trước dịp trỉa lúa diễn ra như một ngày hội của dân làng. Tết đến từng làng sớm muộn khác nhau, nhưng đều vào thời gian sau kỳ tuốt lúa.
Trong các ngày giáp Tết, khoảng từ ngày 26 đến 28 tháng 12 âm lịch, đồng bào Bru - Vân Kiều ở các bản làng tề tựu về khu nhà mồ của mình để cúng tổ tiên. Cầu mong tổ tiên sang năm mới phù hộ cho con cháu mọi điều may mắn. Ai ai cũng có thêm sức khỏe, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu.
Để bầy tỏ lòng thành kính với tổ tiên, gia đình người Bru - Vân Kiều đều sửa soạn, trang hoàng lại bàn thờ bằng những tấm vải đỏ mới tinh. Những tấm vải màu đỏ để cầu mong sự may mắn. Hầu hết các gia đình đều dựng và trang trí bàn thờ để cầu mong đón được tổ tiên về ăn Tết.
Không khí đón Tết trở nên nhộn nhịp hơn vào rạng sáng ngày 30. Trong làng bản, khắp nơi vui nhộn trong tiếng giã gạo nếp làm bánh chưng, cùng với tiếng gọi mổ heo ăn Tết. Người Bru - Vân Kiều vẫn giữ thói quen “chung cỗ”. Có 4, 5 nhà trong bản lại chung nhau làm thịt một con heo để ăn Tết. Nếu là anh em ruột thì phần đầu và đuôi heo để lại cho người anh trai cả làm lễ cúng tổ tiên, phần thịt thì được chia đều. Với đồng bào Bru - Vân Kiều, mâm cỗ ngày Tết đặt lên bàn thờ phải có bánh, vò rượu cần, rượu đoác cùng bánh chưng, bánh đòn, mứt Tết… và không thể thiếu những cây nến được làm từ sáp ong.
Bếp lửa đỏ - cả năm ấm no
Người Bru Vân Kiều quan niệm rằng, lửa sẽ mang đến những điều may mắn, ấm áp đồng thời xua tan đi những điều không tốt lành trong năm mới. Bếp lửa đỏ cũng đem đến sự no đủ, hạnh phúc cho bản làng. Bếp lửa trở thành không gian rất quan trọng, nơi phát huy được nhiều giá trị nhất trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nơi đây. Bếp lửa không chỉ dùng để nấu ăn mà xung quanh không gian bếp còn chứa đựng nhiều nét sinh hoạt văn hóa, những phong tục tập quán, tín ngưỡng độc đáo, thể hiện nhiệt huyết của người dân vùng cao.
Tục giữ lửa ngày Tết của dân tộc Vân Kiều có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Nét văn hóa giữ lửa đêm 30 Tết của người Bru Vân Kiều có từ xa xưa. Bà con cho rằng, giữ được lửa là giữ được ấm no. Chính vì thế, trước Tết, dù bận rộn đến mấy, đồng bào Bru Vân Kiều vẫn dành thời gian để lên rẫy chọn những vác củi chắc mang về xếp dưới nhà sàn đợi chiều 30 Tết nhóm bếp làm cơm cúng gia tiên.
Ðể giữ lửa đêm Giao thừa, bà con thường lựa chọn những que củi chắc để than hồng rực rỡ. Khi qua thời điểm Giao thừa, người phụ nữ Bru - Vân Kiều có nhiệm vụ ủ tro, làm sao sáng sớm ngày mồng một Tết, bếp vẫn còn đượm lửa. Và sáng mùng 1, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm. Người phụ nữ sẽ có nhiệm vụ khơi tro, để ngọn lửa tiếp tục cháy, rồi bắt đầu sửa soạn mâm cơm cúng năm mới.
Vào các dịp lễ, tết cho đến sinh hoạt hằng ngày, từ mái nhà chính của gia đình cho đến các chòi trên nương... đều không thể thiếu bếp lửa. Ngồi bên bếp lửa không chỉ là cách để chống chọi, xua đi cái lạnh vùng cao mà còn là “vũ khí” giúp người dân tránh thú dữ.
Từ xa xưa, trên nương rẫy, mỗi gia đình người Bru- Vân Kiều đều dựng một cái chòi nhỏ để canh lúa ngô, trong chòi bao giờ họ cũng đặt một bếp lửa nhỏ để nấu nướng, canh giữ những sản phẩm trồng trọt. Ban đêm, bếp lửa trong chòi nhỏ giúp bà con che chở cái lạnh mùa đông. Trước khi rời khỏi nương rẫy, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua.
Theo đồng bào ở đây, bếp lửa đặt ngay giữa căn nhà sàn cũng là vị trí thích hợp nhất để cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình. Trong đêm tối, bếp lửa hồng như ngọn đèn lớn soi sáng khắp các gian nhà để mọi người cùng nhau quây quần, cùng nhau nấu nướng, đan lát, tỉa ngô… Lúc không nấu ăn người Bru-Vân Kiều sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, quanh năm suốt tháng bếp luôn giữ được hơi ấm. Giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng với họ là điềm lành, mang lại sức khỏe, được mùa, mang lại sự trường thọ cho người già và sự trưởng thành cho trẻ nhỏ.
Bếp lửa còn được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung của mọi thành viên trong gia đình. Khi có khách cũng như lúc bình thường, mọi người ngồi quây quần bên bếp lửa trò chuyện, uống nước, đan lát, thêu thùa, may vá, thậm chí còn là nơi học bài, đọc sách của con trẻ… trong những dịp lễ hội của bản làng như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả cho những người khuất núi…, đồng bào Bru - Vân Kiều thường tổ chức trước một khu đất trung tâm của bản hay khu vực nhà chung và ở giữa luôn luôn có một bếp lửa lớn cháy sáng cả một vùng. Bếp lửa này là nơi con em trong làng tụ tập về đây cùng nhau ăn uống, nhảy múa trong tiếng chiêng, tiếng trống, tạo nên không khí đầm ấm…
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ nhưng với đồng bào Bru - Vân Kiều, nhưng bếp lửa luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của người dân.