Theo tâm thức của người phương Đông, đứng đầu trong tứ linh (4 con vật linh thiêng) là Long (rồng). Rồng cũng xuất hiện nhiều trong văn hóa tín của người Tày, Nùng (theo tiếng Tày gọi “tua luồng”) và được coi là biểu tượng linh thiêng, tốt lành.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Luận (dân tộc Tày ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Rồng là con vật linh thiêng, đem lại may mắn và được người Tày rất coi trọng. Chính vì vậy, thầy Tào - người được cho là có khả năng giao tiếp với thế giới tâm linh, tổ chức đưa đám người mới khuất, giúp dân bản cầu bình an, cầu mùa màng bội thu... mới được mặc áo, đội mũ có thêu hình rồng trong khi tiến hành các nghi lễ.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Luận cho biết: “Hình ảnh Rồng thường xuất hiện trong trang trí đám cưới, trên ban thờ. Áo của thầy Tào thì hai con rồng thêu chỉ vàng trên nền đỏ ở tà áo trái, phải đối xứng nhau. Mũ thầy Tào cũng có hình Rồng. Ngay cuốn thư treo trên cửa hoặc ban thờ bằng gỗ cũng chạm trổ hình Rồng”.
Cũng như thầy Tào, thầy Then được coi là những người có khả năng tiếp cận thế giới siêu nhiên, làm cầu nối giữa người trần với các đấng thần linh ở cấp phẩm cao cũng gắn với hình ảnh Rồng. Bộ xà tích của người làm Then vùng Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) được làm bằng bạc, chế tác bằng phương pháp thủ công hết sức tỉ mỉ, bao gồm dây đeo, quả hồ lô hình xương rồng.
Thầy Then Trung Thái Quân (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cho biết thêm: “Hình Rồng được ông Giàng, bà Pựt (tên gọi của thầy Then) thêu lên mũ, áo, ấn triện của người làm Then. Đầu cây đàn tính đi hành lễ cũng được chạm khắc hình Rồng. Từ xưa truyền lại rằng, Ngọc Hoàng sai Rồng xuống giúp sức, tạo quyền uy cho người làm Then đi giải hạn, cứu dân độ thế giúp nhân dân. Người bình thường sẽ không thêu, chạm khắc hình Rồng”.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ của người Tày, Rồng cũng được nhắc đến khá nhiều, chẳng hạn như: "Đán bố cuông. Luồng bố quá". Nghĩa là núi đá không thủng rồng không qua lọt. Câu tục ngữ này nêu nhận xét về quan hệ nhân quả. Nếu không có cái này sẽ chẳng có cái kia.
Rất nhiều dân tộc mượn hình ảnh rồng thể hiện cho những biểu tượng cao đẹp, tài năng, linh thiêng, nhưng lúc sa cơ rồng cũng có thể nổi dã tâm, biến thành loài rắn độc. Vì thế, người Tày có câu: “Luồng thất slí piến ngù. Mu thất slí khửn nạo” (Rồng thất thế biến thành rắn. Lợn thất thế đem bắc cân đi mổ). Thói ỷ lại cũng được bà con phê phán bằng câu: “Lai luồng nhỉnh nặm” (nhiều rồng thì ỷ lại không phun nước).
Mạ cắp mạ pền puông
Luồng cắp luồng pền phấu
(Ngựa với ngựa thành đàn
Rồng với rồng thành bầy)
Rồng còn được coi là biểu tượng của sự may mắn và sức mạnh phi thường. Một điều khá thú vị là rồng gắn với hình ảnh quả còn quen thuộc của người Tày, Nùng. Hiện nay, đến các khu du lịch homestay của người Tày, dễ dàng bắt gặp những quả còn rực rỡ màu xanh, đỏ, tím, vàng... bắt mắt, được treo ở khung cửa sổ với nhiều tua rua.
Chị Mai Em ở tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Tương truyền rằng quả còn là sự mô phỏng của con rồng nhỏ, con vật linh thiêng đại diện cho sức mạnh phi thường và những điều tốt đẹp nhất. Khi mùa xuân đến, quả còn được treo ở vị trí trang trọng trong nhà như phòng khách, cầu thang lên xuống, cửa ra vào với tâm niệm cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, vạn vận tốt tươi, mùa màng bội thu bản làng yên vui, gia đạo yên ấm. Chính vì vậy mà người Tày đã làm ra quả còn với tấm lòng thành kính, trân trọng và sự kết hợp khéo léo trong trí tưởng tượng của mình”.
Cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng bà con người Tày, Nùng không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng Rồng được tôn kính và lồng ghép trong các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức như trang trí nhà cửa, bàn thờ, tranh vẽ. Bởi với người Tày, Nùng, Rồng là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, là biểu trưng của mưa thuận gió hòa và là niềm tự hào dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.