Không chỉ hai cơ cơ sở trên, hiện nay, các gia đình, cơ sở chế biến cũng đang tăng tốc để cung cấp hàng phục vụ thị trường tết. Những năm qua, từ nghề làm bánh khảo đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ từ 60 đến hơn 200 triệu đồng/hộ/năm, tạo việc làm cho các lao động địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống.
Theo các hộ làm bánh nơi đây, để làm ra một mẻ bánh ngon, đạt chất lượng thì quan trọng nhất nằm ở khâu chọn gạo và công đoạn làm nhân. Loại gạo được sử dụng để làm bánh là gạo nếp cái hoa vàng trồng ở cánh đồng Thất Khê. Khi làm nhân bánh phải đảo đều nếu không để lâu ngày sẽ bị chảy nước, ăn không ngon. Quan trọng nhất đó là tất cả các công đoạn chế biến như chọn gạo, rang gạo, nghiền gạo, ngào đường, ép lên khuôn, nấu nhân đều được thực hiện theo phương pháp truyền thống.
Chị Nguyễn Diệp My, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội cho biết: So với bánh khảo ở những nơi khác, tôi thấy bánh khảo nơi đây có hương vị rất đặc trưng, vị ngọt của đường phên hòa quyện cùng mùi thơm của gạo nếp và nhân đỗ xanh khiến tôi rất ấn tượng. Tết năm nay, tôi tiếp tục đặt mua món bánh này của cơ sở chế biến bánh khảo Tất Liên để làm quà biếu người thân và bạn bè.
Mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì trên bàn thờ của mỗi gia đình không thể thiếu những phong bánh khảo cúng ông bà tổ tiên, món bánh mang hương vị tết rất riêng của người Lạng Sơn. Nghề làm bánh khảo không chỉ góp phần tăng thêm thu nhập, giúp các hộ làm bánh trên địa bàn huyện vươn lên phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nét đẹp ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh khảo truyền thống, trong đó tập trung chủ yếu ở thị trấn Thất Khê, xã Đại Đồng và xã Chi Lăng. Năm 2022, cơ sở sản xuất bánh khảo Tất Liên đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đây là bước đệm quan trọng để các cơ sở tiếp tục sản xuất, phát huy, bảo tồn sản phẩm bánh truyền thống của huyện Tràng Định. Thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền các hộ thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa để sản phẩm bánh khảo có mặt tại các hội chợ thương mại, hội thảo, hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định