Văn hóa

Chiếc gùi lên nương

Nguyễn Văn Tăng 22/01/2024 - 14:31

Không rõ chiếc gùi xuất hiện từ lúc nào, nhưng đến nay chiếc gùi như vật dụng thân thuộc trong các hoạt động của đồng bào dân tộc thiểu số.

Có lẽ do sinh hoạt hoàn cảnh rừng núi, đường đi thì hẹp, lại lên dốc xuống ụ, khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, lội suối, băng thác gập ghềnh nên bà con đã sáng tạo ra chiếc gùi. Xem ra đến nay, chưa có dụng cụ nào có thể thay được giá trị của gùi.
Một thực tế là đường rừng, cây xỏa rậm không quang rộng như đường đồng bằng, chiếc gùi được thiết kế có kích cỡ không hơn chiều ngang vai người gùi. Nghĩa là khoảng từ 40-50cm. Khi gùi, hai quai gùi đặt lên trên hai vai, vai làm hai điểm tựa chính, quai bện bản to để vai không bị lằn đau, một phía thân gùi ép sát vào toàn bờ lưng, đáy gùi bao giờ cũng đặt ngang gần đốt cuối của cột sống có phần đệm thịt của mông đỡ lấy xem như điểm thứ ba nên hoạt động thoải mái khi di dời.
Gùi có miệng vuông hoặc tròn, nhưng đáy thì nhất thiết phải vuông để tạo độ phẳng có thế tựa, khi cử động không lăn qua, lăn lại. Dù loại gùi có kích cỡ rộng, hẹp, cao, thấp khác nhau cho từng lứa tuổi nhưng đều mang mô-típ chung. Nhất thiết phải có ba điểm tựa trên lưng người gùi.
Nhiều già bản suốt cả cuộc đời chỉ làm một nghề xem như nghệ nhân của công việc đan gùi. Đan gùi còn là nghề cha truyền con nối. Nghề đan gùi cho đồng bào dân tộc thiểu số xứng đáng suy tôn danh hiệu là những nghệ nhân dân gian. Cách bẻ gài thân gùi có hình nổi chìm trông rất đẹp, có giá trị nghệ thuật mỹ thuật cao.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
Đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Cồn Roàng, xã Thượng Trạch (Bố Trạch). Ảnh: Lê Đức Thành
Nguyên liệu đan gùi chủ yếu là cây mây rừng. Có khi là cây lụi hoặc các loại vỏ, dây cây rừng bền, được ngâm tẩm, trước hết là nguyên liệu đan ít thấm nước và phải xốp nhẹ mà có độ bền. Tốt nhất là mây rừng, đến tre nứa.
Đồng bào dân tộc thiểu số, sáng lên rẫy thường mang gùi đi theo, trưa về trên gùi có mang đủ các loại trái củ, như: Khoai, sắn, bắp ngô hay măng nứa... Khi không gùi sản phẩm hái thu ở rẫy, bà con chất củi gọn vào lòng gùi cả bó củi to đi về nhà vẫn thoải mái và tiện lợi.
Do thói quen lâu đời, nên người dân tộc thiểu số khi lên rừng không bao giờ đi hàng hai, hàng ba, mà, người sau đi nhìn vào lưng gùi người trước chậm rãi bước từng bước không vội vàng.
Mỗi gia đình dân tộc thiểu số có khi có đến vài chục hoặc hàng trăm chiếc gùi làm dụng cụ cất giữ sản phẩm để dễ khuân chuyển lên sàn khi mưa lũ. Gùi còn là đơn vị đo lường để tính sản lượng thu hoạch.Ví như, khi nói nhà ông A. năm nay được một trăm gùi lúa, hay nhà ông B. một trăm gùi bắp... là thể hiện thực lực kinh tế của gia đình đó.
Lên với đồng bào A Rem sinh sống ở miền Tây huyện Bố Trạch được các già làng cho biết tiện lợi của gùi. Gùi có nhiều loại, ai to gùi gùi to, ai nhỏ gùi gùi nhỏ. Dùng gùi đem ngô, khoai, củi trên rẫy về nhà, đem nước dưới suối lên.. rất tiện lợi.
Ngày trước, những chiến sĩ Trường Sơn trên đường hành quân vào Nam, ra Bắc, chiếc ba lô cũng là bóng dáng của mô-típ chiếc gùi được nghiên cứu cải tiến để đa năng hơn. Chiếc ba lô trở nên thân thuộc với dân tộc Việt Nam chúng ta có thể là bắt đầu từ chiếc gùi của đồng bào dân tộc thiểu số vậy. Xây dựng những công trình trên núi, chiếc gùi, chiếc balô là phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu chất đầy thuận lợi và cơ động nhất.
Dù trải qua bao nhiêu biến đổi của xã hội, nhưng chiếc gùi vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Nó là đồ dùng gắn bó với cuộc sống đồng bào còn lâu dài dù văn minh đến đâu.
Chiếc gùi cũng xem là nét văn minh của cư dân núi đồi. Gùi giàu tính đắc dụng ngay trong bất cứ sinh hoạt nào. Gùi gắn bó với bà con, khi mà sự phát triển kinh tế còn bám chặt cái nương, cái rẫy để làm ra hạt lúa, hạt ngô, phải giữ lấy bếp lửa ấm xua đi cái thâm u của núi rừng. Và cũng vì thế, biểu tượng chiếc gùi luôn gợi lên cho chúng ta về một bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình nói riêng, cả nước nói chung.
Theo Theo baoquangbinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO